Đây là nội dung đáng chú ý trong Thông tư 06 hướng dẫn hoạt động mua, bán vàng miếng trên thị trường trong nước của NHNN có hiệu lực thi hành ngay từ ngày 13/3.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Chính phủ, chiều 13/3, đại diện Vụ Quản lý ngoại hối (NHNN), cho biết, sau phiên đấu thầu thử nghiệm vàng miếng với các TCTD, doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh mua, bán vàng miếng, NHNN đã tiếp thu ý kiến, chỉnh sửa và hoàn thiện dự thảo Thông tư 06 trước khi ký ban hành để đảm bảo quy trình đấu thầu mua, bán vàng miếng sẽ vận hành hiệu quả.
Vì vậy, các quy định về mua, bán vàng miếng SJC và phi SJC trong Thông tư 06 là khá linh hoạt.
Cụ thể, Thông tư 06 quy định loại vàng miếng giao dịch mua, bán với NHNN là vàng miếng hàm lượng 99,99%, loại 1 lượng do NHNN cho phép sản xuất hoặc tổ chức sản xuất trong các thời kỳ.
NHNN có thể xem xét mua bán các loại vàng miếng khác do NHNN đã cho phép sản xuất trong các thời kỳ. Hình thức mua, bán, có thể trực tiếp hoặc qua hình thức đấu thầu theo giá hoặc đấu thầu theo khối lượng.
Đại diện một đơn vị kinh doanh vàng tại Hà Nội cho rằng với việc NHNN chấp nhận mua bán vàng miếng phi SJC bao gồm các nhãn vàng như Rồng Thăng Long, PNJ-DAB, Sacombank-SBJ… đã được cơ quan này cấp phép, cho lưu hành trước đó sẽ đảm bảo sự công bằng, không phân biệt đối xử giữa các loại vàng miếng. Đây là tín hiệu tốt cho thị trường khi người dân và những doanh nghiệp còn giữ, giao dịch vàng miếng phi SJC không phải mua, bán với mức giá rẻ hơn vàng miếng SJC cả triệu đồng mỗi lượng, lại giải được mối lo về việc khi suốt thời gian qua, tâm lý “chỉ mua vàng SJC” bao trùm thị trường.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, quy định trong Thông tư 06 sẽ giúp người dân có thêm lựa chọn khác về thương hiệu vàng miếng, còn doanh nghiệp có thêm thanh khoản. Hơn nữa, mục tiêu bình ổn giá vàng có thể đạt được, vì SJC khi thấy các thương hiệu kia bán giá thấp cũng sẽ phải cạnh tranh neo giá xuống.
Tuy nhiên, theo đại diện NHNN để phục vụ nhu cầu giao dịch với các TCTD, doanh nghiệp được phép kinh doanh, mua, bán vàng miếng có khối lượng lớn, thời gian ngắn, nên cơ quan này sẽ ưu tiên sử dụng vàng SJC. Còn đối với việc mua, bán các loại vàng miếng phi SJC giữa các TCTD, doanh nghiệp được phép kinh doanh vàng miếng với NHNN thì cơ quan này sẽ xem xét hình thức thích hợp vì hiện trên thị trường có nhiều thương hiệu vàng miếng khác nhau, nên mất nhiều thời gian thẩm định, khó đấu thầu trực tiếp với khối lượng lớn.
Đẩy nhanh việc chuyển đổi sang vàng SJC
Về việc xử lý nguồn vàng nguyên liệu như vàng SJC móp méo, vàng phi SJC; hoạt động “tạm xuất, tái nhập” vàng trong thời gian qua, đại diện NHNN cho biết, Công ty SJC đang tiếp tục thực hiện gia công vàng SJC từ nguồn vàng SJC móp méo và vàng miếng phi SJC dưới sự giám sát chặt chẽ của NHNN. Bên cạnh đó, NHNN đã tổ chức thực hiện phương án “tạm xuất, tái nhập” để đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi vàng phi SJC thành vàng SJC đáp ứng nhu cầu chi trả vàng SJC cho người dân của các TCTD, nghĩa là tạm xuất vàng phi SJC và tái nhập vàng nguyên liệu tiêu chuẩn quốc tế.
Số lượng vàng “tạm xuất, tái nhập” này là vàng miếng phi SJC của người dân đang gửi tại các TCTD thời gian trước đây. Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện kiểm tra tồn quỹ thực tế số vàng này trước khi cho phép thực hiện. Đồng thời, các TCTD không được thu bất kỳ loại phí nào khi chi trả số vàng này, đã được chuyển thành vàng SJC, cho người dân.
Về cơ bản phương án này là đổi vàng miếng phi SJC thành vàng nguyên liệu tiêu chuẩn quốc tế nên không làm phát sinh nhu cầu ngoại tệ để nhập khẩu vàng và do vậy không tạo áp lực lên thị trường ngoại tệ, không gây ra biến động về tỷ giá. Toàn bộ lượng vàng nguyên liệu tiêu chuẩn quốc tế nhập khẩu về được gia công thành vàng miếng SJC để đáp ứng nhu cầu chi trả vàng cho người dân tại các TCTD.
Nguồn www.chinhphu.vn