Đặc thù khí hậu của tỉnh ta có lượng mưa thấp trong năm (mưa tập trung vào các tháng 8, 9,10) và nắng nóng kéo dài trong ngày (có thể từ 10 giờ sáng đến 3- 4 giờ chiều), nên lượng cỏ xanh trong tự nhiên khan hiếm. Với tập quán chăn thả tự nhiên, bãi chăn chỉ dựa vào nước trời là chính thì nguy cơ thiếu thức ăn cho đàn gia súc có sừng (bò, dê, cừu) là rất cao. Nên người chăn nuôi cần có giải pháp để giảm tối đa khả năng gia súc suy dinh dưỡng, dẫn đến chết trong mùa khô hạn. Xin giới thiệu một số giải pháp khắc phục như sau:
Ông Nguyễn Long ở xã An Hải (huyện Ninh Phước) chủ động nguồn thức ăn, nước uống
cho đàn gia súc có sừng trong mùa khô hạn 2013. Ảnh: Sơn Ngọc
Nếu bãi chăn thả gần chuồng
Thì nên thả gia súc ra bãi chăn thả sớm hơn thường ngày, khi nhiệt độ trong ngày bất đầu tăng cao có thể đưa gia súc về chuồng nghỉ ngơi. Về chiều, khi trời đã mát thì có thể thả gia súc ra bãi chăn thả và kéo dài thời gian ngoài bãi tới xẩm tối.
Nếu bãi chăn thả xa chuồng
Cũng tranh thủ cho gia súc ra bãi chăn sớm nhưng khi nhiệt độ trong ngày lên cao nên tìm bóng mát ngoài bãi chăn để gia súc nghỉ. Người chăn nuôi nên áp dụng phương châm “ Sáng mở sớm - Chiều về muộn”, tận dụng thời gian mát trong ngày để thả gia súc ngoài bãi chăn, cần lưu ý nên tránh tối đa đàn gia súc bị “phơi nắng”, đi xa, đi nhiều trong ngày gây mất năng lượng không cần thiết.
Chế độ chăm sóc
Chuồng trại phải rộng có mái che, đảm bảo thoáng mát trong mùa hè. Chuồng có máng ăn, máng uống. Sàng lọc lại đàn, nên giữ những gia súc khỏe mạnh cho năng suất cao, sinh sản tốt... loại thải bằng cách bán thịt những gia súc già, gia súc sinh sản kém, suy nhược... Cần tách riêng những gia súc yếu, gia súc đang bệnh, gia súc non... giữ lại chuồng và có chế độ dinh dưỡng, chăm sóc riêng, vì nguy cơ chết tập trung vào dạng gia súc này. Nước uống tại chuồng phải cung cấp đầy đủ, phải sạch và để lạnh khi gia súc về chuồng uống được nhiều. Khuyến cáo người chăn nuôi nên để máng uống dưới bóng mát hoặc trên máng uống có mái che để giữ cho nước được lạnh.
Thức ăn
Hàng ngày, ngoài thả ra bãi chăn, khi về chuồng phải bổ sung thêm một lượng tối thiểu cỏ xanh từ nguồn cỏ chủ động trồng. Có 2 giống cỏ là cỏ Voi và VAO6 đáp ứng tốt trong điều kiện khô hạn, vì 2 giống cỏ này cho năng suất cao, tái sinh nhanh, chịu hạn tốt. Tranh thủ thu gom, tận dụng làm thức ăn từ các nguồn phụ phế phẩm nông nghiệp khác như rơm, thân bắp , thân cây họ đậu, rau lang, rau muống. Có phương án dự trữ, chế biến thức ăn để tăng hiệu quả khi sử dụng, tăng tính ngon miệng cho đàn gia súc như: ủ rơm bằng ure, ủ cỏ tươi, rơm tưới rỉ mật. Bổ sung các vitamin, khoáng thiết yếu...bằng định kỳ tiêm bổ sung ADE Bcomplex, bổ sung bánh liếm, muối hột. Bổ sung cám gạo, cám tổng hợp cho các con cái đang mang thai, đang nuôi con.
Công tác thú y
Đây là giai đoạn mà sức đề kháng của gia súc giảm mạnh, nguy cơ một số bệnh bùng phát cho nên đàn gia súc phải được đảm bảo tiêm phòng đầy đủ các bệnh bắt buộc như Lở mồm long móng, Tụ huyết trùng, Viêm ruột hoại tử, Thủy đậu... có lịch trình tẩy giun định kỳ và tiêu độc sát trùng chuồng trại thường xuyên.
BSTY Ngụy Công Khánh
Trạm khuyến nông khuyến ngư Ninh Phước