Là dự án hoàn toàn mới, dự kiến thực hiện đến năm 2013 với tổng vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh ta là 8,240 triệu USD do Ngân hàng Thế giới tài trợ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) làm cơ quan chủ quản và Sở NN&PTNT tham gia với tư cách chủ dự án thành phần, có thể nói ngay năm đầu triển khai, Dự án CTNN đã mở ra triển vọng đầy lạc quan cho kinh tế nông nghiệp tỉnh nhà. Theo đồng chí Châu Thăng Long, Phó giám đốc sở NN&PTNT, Giám đốc Ban quản lý Dự án CTNN tỉnh, dự án có 4 hợp phần, trong đó đáng chú ý nhất là hợp phần B (hỗ trợ liên minh sản xuất) với kinh phí đầu tư 2,842 triệu USD dành cho sự hỗ trợ thiết lập và đưa vào hoạt động các liên minh sản xuất theo hướng tư nhân, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Nông dân vùng rau an toàn Nam Cương thu hoạch cải trắng với năng suất bình quân 40-45 tấn/ha.
Tính đến đầu tháng 3, Ban Quản lý Dự án CTNN tỉnh đã tổ chức thành lập được 12 Liên minh sản xuất những ngành hàng nông sản quan trọng của tỉnh ta, trong đó có 7 Liên minh (thành lập năm 2010) đã kết thúc chương trình, không còn nhận hỗ trợ từ nguồn vốn Dự án CTNN sau 2 năm thực hiện theo quy định của chương trình. Anh Nguyễn Văn Luận, cán bộ tư vấn B của dự án CTNN tỉnh cho biết: Ngay trước khi kết thúc chương trình hỗ trợ, vì lý do khách quan từ sự xuống dốc của các doanh nghiệp hợp tác trong Liên minh, đã có các Liên minh nuôi cừu Huỳnh Thiên, trồng táo Văn Hải, mít đặc sản Sông Pha phải hoạt động cầm chừng, gặp nhiều khó khăn. Duy có Tổ hợp tác nuôi cừu trong Liên minh nuôi cừu Huỳnh Thiên nhờ linh hoạt tìm đối tác tiêu thụ nên vẫn duy trì và có kế hoạch đầu tư cơ sở giết mổ cừu thịt trong năm nay.
Tuy có dấu hiệu tan rã của 3 Liên minh trên, nhưng điều đáng mừng là còn lại 4 Liên minh sản xuất dù đã kết thúc việc nhận kinh phí của Dự án, vẫn đang hoạt động hiệu quả, đó là các Liên minh sản xuất: Lúa giống Vụ Bổn, giống dê Bachboer Phước Hậu, rau an toàn Tuấn Tú và rau an toàn An Hải.
Liên minh sản xuất, theo định nghĩa của Dự án CTNN, là mối quan hệ hợp tác lâu dài, tự nguyện trong sản xuất hàng hóa giữa tổ chức nông dân (và các thành viên) với doanh nghiệp nông nghiệp, hoạt động dựa trên kế hoạch kinh doanh chung để tiến hành các hoạt động sản xuất và thương mại. Vừa qua, có dịp tiếp cận với các Tổ hợp tác của các Liên minh đã kết thúc nhận hỗ trợ, chúng tôi ghi nhận được những chuyển biến khá lạc quan. Anh Mã Lạc, Chủ nhiệm HTX dịch vụ nông nghiệp Vụ Bổn (Phước Ninh, Thuận Nam) giải thích: Xã viên HTX là nông dân trồng lúa của cả 2 thôn Vụ Bổn và Tân Bổn, nhưng ít ai khá lên nhờ lúa thương phẩm. Sau khi được Dự án CTNN tỉnh hỗ trợ, nông dân đã tham gia Liên minh sản xuất lúa giống Nhahoseed, với kết quả ban đầu đạt được qua 3 vụ lúa đã tạo niềm tin về cung cách làm ăn mới. Tác động đầu tiên qua liên minh, hợp tác sản xuất ở Vụ Bổn có thể thấy rõ là đã biến vùng đất ruộng nghèo thành vùng nguyên liệu lúa giống ổn định, chất lượng cao, phát triển bền vững. Tương tự, Liên minh sản xuất giống dê lai Bachboer Phước Hậu bằng việc hợp tác tự nguyện giữa Tổ hợp tác nuôi giống dê lai Bachboer Phước Hậu (gồm 60 hộ làm nghề chăn nuôi dê) với doanh nghiệp tư nhân Phạm Đức Toàn (Phước Mỹ, Phan Rang-Tháp Chàm) đã giúp người nuôi có kiến thức hiện đại về công nghệ chăn nuôi, đồng thời nâng cao khả năng cạnh tranh và tiếp cận thị trường.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện còn lại 5 Liên minh tiếp tục nhận hỗ trợ của Ban quản lý Dự án CTNN tỉnh là Liên minh sản xuất giống ngô Nhahoseed, Liên minh sản xuất giống mía Phasuco thành lập năm 2011 và Liên minh hành tỏi Hải Việt, Liên minh hành tỏi Tâm Hoàng Sơn, Liên minh lúa gạo Bình Minh thành lập năm 2012. Đến thôn Khánh Tân (Nhơn Hải, Ninh Hải), nơi có Liên minh sản xuất hành tỏi Hải Việt hoạt động từ tháng 6-2012, chúng tôi được anh Đặng Thông, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất hành tỏi Khánh Tân cho biết: Đây là sự hợp tác tự nguyện giữa tổ hợp tác trồng hành tỏi Khánh Tân với Công ty Hải Việt. Thời gian hoạt động của Liên minh mới hơn 8 tháng, còn quá sớm để đánh giá hiệu quả nhưng nông dân Khánh Tân đều tin rằng đây sẽ là cơ hội tạo ra phương thức làm ăn mới, giúp đánh thức tiềm năng vùng đất pha cát và nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm hành, tỏi địa phương.
Nhìn lại những Liên minh sản xuất đã kết thúc hỗ trợ hoặc mới thành lập đang nhận hỗ trợ từ Dự án CTNN tỉnh, có thể thấy điểm chung là đã tạo điều kiện cho nông dân làm ăn đơn lẻ biết liên minh sản xuất và làm ra nông sản có giá trị cạnh tranh cao, dễ tiêu thụ khối lượng lớn và ổn định. Nếu tiếp tục xây dựng và duy trì được mối liên minh đối tác trong sản xuất giữa doanh nghiệp và nông dân, theo chúng tôi nông nghiệp tỉnh ta sẽ được tác động phát triển, từng bước cải thiện cuộc sống cho nông dân và góp phần tích cực vào tiến trình xây dựng nông thôn mới.
Bạch Thương