Hầu hết các sông, suối, hồ đập mực nước nhỏ hơn mức trung bình từ 45-50%. Cùng với đó, tình hình khí tượng thủy văn tại tỉnh ta từ đầu năm 2013 đến nay không xuất hiện mưa như các năm trước; số giờ nắng trong ngày cao, kết hợp các đợt gió mạnh kéo dài làm lượng nước bốc hơi nhanh.
Theo Công ty TNHH MTV Khai thác các công trình thủy lợi tỉnh: Trong tổng số 20 hồ đập thủy lợi của tỉnh, phần lớn đều đang ở mức thấp hơn so với mức trung bình, lượng nước trong các hồ chứa chỉ còn 61 triệu m3 so với tổng dung tích thiết kế gần 150 triệu m3 (khoảng 42%). Đặc biệt tại một số hồ lớn như Tân Giang chỉ còn 1,82/13,39 triệu m3 (13,5%), hồ Sông Trâu 9,93/31,53 triệu m3; hồ Sông Sắt 33,70/69,33 triệu m3. Các hồ như CK7, Suối Lớn, Ma Trai, Ba Chi, Phước Nhơn, Bầu Zôn, Tà Ranh, Thành Sơn..., lượng nước chỉ còn ở vài trăm ngàn khối-mức thấp so với trung bình nhiều năm.
Công trình thủy lợi hồ Sông Trâu do Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi quản lý
phục vụ tưới cho 3.000 ha đất canh tác thuộc huyện Thuận Bắc. Ảnh: Sơn Ngọc
Trong khi đó, vụ đông-xuân năm 2012-2013 tỉnh ta có tổng diện tích gieo trồng trên 23 ngàn ha, tập trung một số cây trồng chính như: lúa gần 15 ngàn ha, bắp 3.100 ha. Rau đậu và các loại cây trồng hàng năm khác khoảng 5.000 ha. Chưa kể một số diện tích gieo ngoài kế hoạch ở một số địa phương. Riêng đối với cây lúa, hiện đang là thời điểm làm đòng nên rất cần nước nên nếu không điều tiết nước hợp lý sẽ ảnh hưởng đến năng suất cũng như đối diện với nguy cơ thiếu nước trong vụ tới.
Ông Phạm Văn Hường, Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác các công trình thủy lợi tỉnh cho biết: Nhằm điều tiết nước hợp lý, Công ty đã chủ động đầu tư gần 700 triệu đồng làm kênh bê tông dài hơn 300 mét, kịp thời dẫn nước từ kênh Nam của hồ Sông Biêu về bổ sung nước tưới cho khoảng 1.000 ha lúa ở các vùng hạ lưu của huyện Thuận Nam. Cùng với việc kiểm tra, đo đạc tình hình nguồn nước tại các hồ, đập, thực hiện vận hành các hồ chứa theo đúng quy trình, Công ty đã phối hợp với các địa phương thực hiện phương án điều tiết nước hợp lý, tiết kiệm, xây dựng kế hoạch tưới luân phiên giữa các kênh trong hệ thống, phấn đấu không để thiếu nước sản xuất trong vụ Đông Xuân 2012-2013.
Theo dự báo thời tiết trong thời gian tới của Trung tâm khí tượng thủy văn, tình trạng thiếu nước, khô hạn sẽ xảy ra nghiêm trọng trên diện rộng và có khả năng xâm nhập mặn sâu các vùng cửa sông, ven biển kết hợp với khô hanh, số giờ nắng kéo dài, gió mạnh khiến lượng nước bốc hơi nhanh.
Theo ông Lưu Khoan, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn: Với lượng nước như hiện tại thì nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước sinh hoạt, chăn nuôi và phục vụ sản xuất nông nghiệp trong vụ hè thu 2013 trên địa bàn tỉnh là rất lớn. Do đó kế hoạch sản xuất vụ hè thu sẽ được điều chỉnh giảm diện tích cho phù hợp, dự kiến chỉ khoảng 19,5 ngàn ha (giảm trên 3,5 ngàn ha), trong đó giảm diện tích sản xuất lúa từ 15 ngàn ha xuống còn 10,6 ngàn ha. Ngoài ra, tỉnh cũng đề nghị bổ sung nguồn nước kịp thời từ hồ Đơn Dương cho vùng hạ du vì hiện nay, lượng xả chỉ mới đạt khoảng 50% nhu cầu cấp nước của địa phương.
Để ổn định sản xuất, hạn chế thấp nhất các thiệt hại do hạn hán, các địa phương cần tuân thủ kế hoạch diện tích gieo cấy, sử dụng nguồn nước hợp lý, tổ chức nạo vét kênh mương nội đồng, hạn chế tình trạng thất thoát nước tưới. Mặt khác có phương án đào ao, giếng nước, hồ chứa, bể dự trữ nước để chủ động tưới cho sản xuất và sinh hoạt. Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền sâu rộng đến nhân dân về tình hình khô hạn hiện nay, để người dân ý thức và có biện pháp sử dụng nước tiết kiệm, hợp lý.
Ngũ Anh Tuấn