Khi bị ngộ độc, cần giúp bệnh nhân nôn ra càng sớm càng tốt. Sau khi nôn hết thức ăn, người bệnh vẫn bị cảm giác buồn nôn hành hạ, bạn có thể dùng một số thảo dược để giảm tình trạng này.
Khi bị ngộ độc thực phẩm, người bệnh có cảm giác buồn nôn, tiêu chảy, choáng váng hoặc đôi khi có kèm theo sốt. Thường những triệu chứng này không kéo dài quá 24 giờ nên một số trường hợp bạn có thể tự điều trị ở nhà. Những bài thuốc từ những thảo mộc quen thuộc như bí đao, đậu xanh, đậu đen… có tác dụng làm dịu dạ dày, giảm cảm giác buồn nôn, khó chịu cho người bệnh.
Ngộ độc thông thường
Khi bị ngộ độc do ăn phải thức ăn ôi thiu, không đảm bảo vệ sinh gây đau bụng, buồn nôn, người bệnh có thể dùng các bài thuốc sau:
- Rau ngổ 30g, bí đao 30g, ¼ muỗng muối. Tất cả giã nhuyễn, chắt lấy nước, uống 3 lần/ ngày.
- Đậu xanh, đậu đen: 1 muỗng canh/ loại, cỏ mẩn trầu, rau ngót, bí đao: 30g/ loại. Tất cả giã nhuyễn, chắt lấy nước uống 3 lần/ ngày.
- Đậu xanh 30g, nghiền mịn hòa với nước lọc để uống, giúp người bệnh nôn hết thức ăn ra ngoài.
Đậu xanh là thực phẩm giúp người nhiễm độc nhanh chóng nôn ra chất độc (Ảnh minh họa)
- Uống 2 muỗng canh dấm táo. Lưu ý, sau khi uống cần đánh răng ngay để tránh phá hủy men răng.
- Gừng: Có thể đun sôi nước với vài lát gừng tươi hoặc pha 1 muỗng canh bột gừng với nước nóng để uống cách nhau khoảng 3 – 4 giờ. Có thể cho bột gừng vào soda để dễ uống hơn.
- Hỗn hợp sữa chua húng quế: Cho 3 muỗng sữa chua vào một bát nhỏ, thêm một muỗng canh lá húng quế thái nhỏ, ¼ muỗng cà phê muối. Sau đó trộn đều hỗn hợp này lại với nhau, dùng 3 lần/ ngày. Có thể uống sáng ngày tiếp theo để chữa khỏi hoàn toàn.
Ăn nhầm đồ có độc
Ngộ độc mật hoặc trứng cóc: Giã nhuyễn 20g lá mít tươi, lấy nước uống ngay sau khi ăn phải mật hoặc trứng cóc 3 – 5 phút.
Ăn nhầm cá độc:
- Lấy 40g lá tía tô nấu chung với 2 bát nước còn khoảng 1 chén. Uống 2 lần/ ngày cho đến khi không còn cảm giác nôn mửa, tiêu chảy.
- Lấy 40g ngọn bí đao giã nhuyễn, lấy nước uống 3 lần trong ngày.
- Đậu đen 100g nấu nhừ với 1 lít nước, uống thay nước để chữa ngộ độc và bù nước cho bệnh nhân.
Ngộ độc hải sản: Gừng sống 15 – 20g, hành tây 15 – 20g nấu với 2 chén nước còn khoảng 1 chén, uống lúc nóng, ngày 2 – 3 lần.
Chăm sóc bệnh nhân
Khi bị ngộ độc, bệnh nhân sẽ nôn nhiều, dễ dẫn đến mất nước và kiệt sức. Để người bệnh phục hồi tốt, người nhà cần chú ý:
- Nên cho bệnh nhân ăn các loại thức ăn mềm, dễ tiêu hóa như cháo, súp…
- Uống thật nhiều nước và nên uống từng ngụm nhỏ.
- Tránh các loại đồ uống như rượu, bia, cà phê.
- Không nên uống các loại nước tăng lực vì chúng có chứa quá nhiều đường dễ khiến cho việc tiêu chảy trở nên trầm trọng hơn.
- Sau khi không còn cảm giác buồn nôn, người bệnh có thể bắt đầu ăn uống bình thường trở lại. Lưu ý, nên ăn từng ít một, chia làm nhiều bữa trong ngày, không ăn nhiều dầu mỡ.
- Không dùng các loại thuốc chống tiêu chảy để điều trị ngộ độc thực phẩm, vì có thể khiến cho tình trạng bệnh nặng hơn.
- Bệnh nhân ngộ độc thực phẩm nên nằm nghỉ ngơi, tránh làm việc nặng để cơ thể mau phục hồi.
Gừng giúp giải độc nhanh chóng (Ảnh minh họa)
Nếu sau 24 giờ điều trị bằng thảo mộc tại nhà và nghỉ ngơi vẫn không thấy tình trạng giảm bớt, bạn nên đưa bệnh nhân đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được giúp đỡ. Hoặc khi thấy bệnh nhân có các triệu chứng như co giật, tím tái người, chảy nước bọt nhiều, vã mồ hôi, chân tay co cứng… thì nên đưa đi cấp cứu ngay lúc phát hiện bị ngộ độc.
Có thể bạn cần biết
Các triệu chứng của ngộ độc thường xảy ra sau vài giờ ăn hay uống một thực phẩm bị nhiễm độc. Người bị ngộ độc sẽ có cảm giác buồn nôn và nôn ngay, đau bụng, tiêu chảy nhiều lần. Người bệnh có thể không sốt hay sốt cao trên 38 độ C.
Nều người bệnh nôn, đi ngoài phân lỏng trên 5 lần, sốt cao sẽ khiến cơ thể bị mất nước trầm trọng, kéo theo những biểu hiện khác như khô môi, mắt trũng, khát nước, mạch nhanh, thở nhanh, mệt lả, có thể co giật, nước tiểu ít, sẫm màu…, người thân nên cho bệnh nhân uống nhiều nước, dung dịch oresol để bù nước và điện giải. Có thể pha nửa thìa cà phê muối, 4 thìa cà phê đường với 1 lít nước cho bệnh nhân uống để giúp pha loãng chất độc trong cơ thể, giảm tác hại xuống mức tối thiểu.
Rất nhiều người lầm tưởng rằng khi bị ngộ độc thực phẩm người bệnh cần nhịn ăn, chỉ nên truyền đạm, truyền nước hoặc ăn cháo trắng cho lành bụng, đây là một điều sai lầm. Thực ra, người bệnh vẫn ăn uống được bình thường, chỉ phải lưu ý cho ăn những thứ mềm, loãng, dễ tiêu, không ăn quá no để tránh gây quá tải cho hệ tiêu hóa đang còn yếu.
Nguồn EVA.VN