1- Sống rắn: Tên khoa học Albizia Myryophylla, thuộc họ dâu Fabaceae. Có nhiều giống như sống rắn sừng nhỏ, sống rắn dài... Cây mọc thành bụi, cao từ 2-4 m, mọc dựa vào cây to và vươn cao. Khi chặt vào thân cây có nước chảy ra. Lá kép. Hoa màu trắng. Vỏ, thân, rễ cây sống rắn dùng làm thuốc giải nhiệt.
2- Lưỡi rắn: Còn có một số tên như bòi vòi ngù, vỏ chu, bạch hoa xà, thiệt thảo. Tên khoa học Hodyotis corymbosa, thuộc họ cà phê Rubiaceae. Cây mọc thẳng, cao từ 20-30 cm, phân nhiều nhánh. Thân non, màu lục, lá nhỏ hình trụ, mọc đối, cuống rất ngắn. Cây dùng trị viêm các dây thần kinh, viêm khí quản, viêm tấy lan, viêm gan, viêm ruột thừa cấp...
3- Xương rắn: Tên khoa học Euphorbia milii, thuộc họ thầu dầu Euphobiaceae. Cây cao 75-100 cm. Thân vuông, có gai nhọn. Lá hình ngọn giáo. Cuống hoa dài 5-8 cm. Hoa cây xương rắn dùng chữa bệnh xuất huyết ở tử cung. Nhựa mũ và thân dùng trị nhọt, viêm mũ da, vết bỏng.
4- Xà sàng: Tên khoa học Ophioglossun petiolatum, thuộc họ xà nhiệt Ophioglossaceae. Cây cao từ 10-25 cm, rễ hình trụ, có củ. Lá cao bằng nửa thân cây, thót lại đột ngột ở gốc thành cuống... Cây xà sàng dùng chữa một số bệnh của trẻ em như viêm phổi, kinh phong, đau dạ dày, sốt cao..., và còn có thể bôi ngoài da chữa rắn cắn.
5- Tùng xà: Tên khoa học Sabana chinensis, thuộc họ hoàng đàn Cubressaceae. Cây thân gỗ, cao khoảng 20 m. Lá dạng vẩy lợp sít nhau. Lá, cành, vỏ, thân cây tùng xà dùng trị cảm mạo, phong hàn, phong thấp, đau nhức khớp xương, mụn nhọt... Tùng xà còn có tên là bách xà, viên bách.
6- Bạch xà: Tên khoa học Polypodium subauriculatum Blume, thuộc họ dương xỉ Polypodiaceae. Cây có thân rễ bò rất dài, lá thưa, cuống vàng, phiến lá dài 20-60 cm. Bạch xà thường mọc trên núi đá. Thân, rễ phơi không dùng làm thuốc chữa hạ sốt, giải nhiệt.
7-Hoàng xà: Còn gọi là cây vẩy lợp hoặc ráng đà hoa có răng. Tên khoa học Davallia dentiquilata thuộc họ vẩy lợp Dacalliaceae. Thân rễ dày 5-10 mm, mọc bò, phủ vẩy hình lộng. Cuống lá dài đến 40 cm, màu nâu hồng. Phiến lá dài từ 30-50 cm, hình tam giác. Hoàng xà mọc nhiều trong rừng ẩm. Thân, rễ thường dùng phối hợp với hắc xà, thanh xà, bạch xà trong việc chữa ban trái trẻ em và cũng dùng trị rắn cắn rất tốt.
Nguồn Báo Tin tức-TTXVN