Tết Nguyên đán - Di sản văn hóa của dân tộc Việt Nam

Tết Nguyên đán là ngày tết lớn nhất trong năm của người Việt, là những ngày kết tinh những giá trị sống cả những điều tốt đẹp, cả những gì phải khắc phục sửa chữa của mỗi người sau chu kỳ 365 ngày. Ngày Tết là dịp quây quần, sum họp, là dịp nhớ về nguồn cội…

 Tất cả những điều đó tạo nên nét riêng đặc sắc về giá trị văn hóa của Tết cổ truyền dân tộc, được lưu truyền qua bao thế hệ.

Giá trị đó ẩn sâu trong đời sống tâm linh của mỗi người, trong mỗi gia đình và cả cộng đồng. Những phong tục tập quán thể hiện đậm đặc trong mấy ngày Tết diễn ra trong các gia đình, tạo thành nếp nhà, qua đó làm nên giá trị tinh thần của văn hoá gia đình.

GS-TS Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng VN, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cho rằng hướng về cội nguồn, thờ cúng tổ tiên là một trong những nội dung quan trọng, một ý nghĩa nhân bản sâu sắc của Tết cổ truyền.

"Tổ tiên" trước hết là tổ tiên của từng gia đình, dòng tộc (có tên tuổi cụ thể). Nhưng trong tâm thức của người Việt, tổ tiên còn mang ý nghĩa quốc gia - dân tộc. Đặc biệt năm 2012, UNESCO đã tôn vinh một di sản rất độc đáo của dân tộc ta “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương”. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương thực chất là tinh túy của tục thờ cúng tổ tiên của người Việt Nam.

Dâng lễ vật lên Quốc tổ Lạc Long Quân trong ngày Giỗ Tổ Hùng Vương.

Việc hướng về cội nguồn trong dịp Tết còn có ý nghĩa quốc gia dân tộc, đó là điểm qui tụ tâm linh của người Việt, hướng người Việt về nguồn gốc chung để tạo nên sự đoàn kết, gắn bó của dân tộc. Trong suốt lịch sử dựng nước và giữ nước, sự gắn bó, đoàn kết đó, sự qui tụ đó luôn luôn là sức mạnh của dân tộc ta.

Chính vì thế, theo GS-TS Lê Hồng Lý, Viện trưởng Viện Văn hóa (Viện Khoa học- Xã hội Việt Nam), trong những ngày Tết, người ta luôn mong được trở về với nguồn cội, quê hương. Ngày Tết, mọi người dù đi đâu, ở đâu đều nhớ về quê cha, đất tổ, về tổ ấm gia đình. Hai tiếng quê hương, gia đình trở nên thiêng liêng và cuốn hút đối với mỗi người Việt Nam nhất trong dịp Tết đến Xuân về. Việc làm tròn bổn phận của mình với Trời, Đất, với Tổ tiên, ông bà, cha mẹ, vợ con và người thân... là niềm hạnh phúc nhất với mỗi con người.

Trong sự vui vẻ, sum vầy, đầm ấm của ngày Tết, mỗi người trở nên rộng lượng, bao dung, hướng tới những điều thiện, điều lành nhiều hơn. Ai cũng tốt muốn sống tốt hơn và mong mỏi cho người khác cũng tốt hơn, đẹp hơn.

Theo GS-TS Ngô Đức Thịnh, người Việt muốn tất cả những gì hay, tốt, đẹp đều phải dành cho sự mở đầu. Ngày Tết người ta sẵn sàng bỏ qua khúc mắc, va chạm để cùng hướng tới điều tốt đẹp. Người ta muốn dành những lời nói về nhau một cách tốt đẹp và dành những lời cầu chúc cho nhau tốt đẹp. Đó là phong tục tốt đẹp mà chúng ta cần phải giữ.

Một khía cạnh khác rất đáng chú ý là việc ăn uống trong dịp Tết, bữa cơm ngày Tết.

Sau một năm lao động vất vả, những ngày Tết cũng là dịp để mọi người nghỉ ngơi, ăn uống bồi dưỡng sức khoẻ, thăm hỏi lẫn nhau và vui chơi giải trí.

Nhiều nhà nghiên cứu văn hoá cho rằng bữa ăn của Việt là một “tổ hợp văn hoá”, đặc biệt là những bữa ăn ngày Tết, sắc thái văn hoá càng rõ nét và sâu đậm.

Có những món ăn trải qua hàng nghìn năm lịch sử đã trở thành những giá trị văn hoá Việt không gì có thể thay thế như: bánh chưng, bánh dày... Ngày Tết, quây quần bên nhau chuẩn bị mâm cỗ cúng gia tiên, sau đó cùng ăn uống, trò chuyện vui vẻ trong phảng phất hương trầm. Thật khó có niềm vui nào sánh được…

Mỗi dịp Tết đến, Xuân về, người Việt đều nhớ câu thành ngữ "Mồng một Tết cha, mồng hai Tết mẹ, mồng ba Tết thầy". Đó là việc chúc Tết, lễ Tết diễn ra trong 3 ngày mồng Một, mồng Hai và mồng Ba Tết.

Tết nơi đảo xa.

Sau khi Tết bên nội (cha), bên ngoại (mẹ) là các bậc sinh thành, dưỡng dục mình, người Việt thường đi chúc Tết thầy giáo với tâm nguyện tỏ lòng biết ơn người có công khai tâm cho con người bằng tri thức, vì “Không thầy đố mày làm nên”. Đây cũng chính là tinh thần tôn sư trọng đạo của người Việt từ ngàn xưa. Bên cạnh đó, tục xin chữ hay khai bút đầu Xuân (vài năm trở lại đây đã được khôi phục và phát triển mạnh) cũng là nét đẹp mà người Việt thường duy trì để nhắc nhở người ta cần phải trọng cái chữ và biểu dương tinh thần hiếu học.

GS-TS Ngô Đức Thịnh còn nhắc tới một nét mới là những năm gần đây, có nhiều nét đẹp xuất hiện trong dịp Tết và đang dần dần trở thành phong tục đẹp cần được gìn giữ, phát huy.

Đó là việc treo cờ Tổ quốc trong những ngày Tết như một niềm tự hào; là việc sửa sang các nghĩa trang liệt sỹ, tặng quà, chăm sóc gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, chăm lo cho các chiến sỹ nơi biên giới hải đảo như một sự báo đáp. Trong dịp Tết, mọi người cũng không quên chăm lo cho những người còn nghèo khó, người khuyết tật, trẻ em bị chất độc da cam, trẻ em lang thang cơ nhỡ như tấm lòng đồng cảm... Tất cả những việc làm đó khiến cho cái Tết cổ truyền dân tộc thêm ấm tình người.

Tựu chung lại, Tết Nguyên đán là dịp những điều tốt đẹp trong tâm hồn và đời sống của con người Việt Nam kết đọng lại, được duy trì và lưu truyền từ đời này sang đời khác, tạo nên nét văn hóa đặc sắc.

Nguồn www.chinhphu.vn