Phát huy năng lực cán bộ trẻ
Trong số 3 thành viên là con em đồng bào Raglai huyện Bác Ái được Dự án 600 PCT. UBND xã tuyển chọn, Pi-lao Thị Thuynh, PCT. UBND xã Phước Đại nổi bật hơn hẳn bởi sự năng nổ và tinh thần trách nhiệm. Tốt nghiệp Khoa Sư phạm Ngữ văn, Trường Đại học Đà Lạt, Thuynh về quê nuôi nghiệp “gõ đầu trẻ”. Nghe thông tin từ Dự án, Thuynh mạnh dạn làm đơn đăng ký. Giờ đây, được nhận công tác ngay trên chính quê hương mình, điều làm Thuynh trăn trở là vấn đề “học chữ” của con em mình. Do vậy, khi được phân công đảm trách mảng Văn hóa-xã hội, Thuynh đã tập trung hơn cho giáo dục. Không nề hà bất cứ việc gì, hàng tuần Thuynh đều dành thời gian đi địa bàn và đến tận nhà vận động học sinh ra lớp xóa mù. Thuynh bộc bạch: “Công tác vận động học sinh ra lớp thật không dễ dàng chút nào. Cứ phải đợi chiều tối, khi người lớn đi rẫy về, mình cùng với cán bộ thôn và giáo viên đến từng nhà học sinh. Chủ yếu là động viên, giải thích sự cần thiết phải học chữ mới mong xóa đói, giảm nghèo. Đôi lúc thấy bà con đi làm về mệt, chưa cơm nước gì, mình cũng ngại lắm nhưng có làm như vậy mới duy trì sĩ số được”. Gần 1 năm công tác, Thuynh đã cùng với cấp ủy, chính quyền và đoàn thể xã thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, thể hiện rõ nhất ở tỷ lệ huy động học sinh ra lớp đúng độ tuổi đạt 95%; tỷ lệ hộ nghèo giảm 12,9%, đời sống của nhân dân từng bước được cải thiện.
Trung tâm huyện Bác Ái được xây dựng khang trang.
Ảnh: Văn Thanh
Trên lĩnh vực kinh tế, nữ PCT. UBND xã Nguyễn Thị Ngọc Linh cũng giành được nhiều “thiện cảm” từ phía chính quyền và nhân dân xã Phước Tiến. Linh quê ở xã Lâm Sơn (Ninh Sơn), tốt nghiệp Khoa Luật Kinh tế, Trường Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, với chuyên ngành Kinh tế và Quản lý công. Tham gia Dự án 600 PCT. UBND xã, với Linh là cơ hội để cống hiến khả năng, sức trẻ xây dựng quê hương. Nắm bắt nhu cầu thực tế của địa phương, cộng với sự ủng hộ và tiếp sức từ phía chính quyền, Linh mạnh dạn xây dựng đề án “Thành lập Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp”. Sau khi chính thức được bổ nhiệm chức vụ, Linh bắt tay vào việc triển khai đề án. HTX đóng chân trên địa bàn thôn Đá Bàn, với 270 xã viên tham gia, có số vốn luân chuyển gần 100 triệu đồng và 5 chiếc máy cày tay. HTX đảm nhiệm các khâu làm đất, cung cấp giống cây trồng, vật tư nông nghiệp, thu hoạch, thu mua nông sản, thú y, thủy lợi; hỗ trợ cho bà con tiếp cận tốt hơn với kỹ thuật sản xuất, các nguồn vốn của Nhà nước, nâng cao năng lực tiêu thụ hàng hóa sau thu hoạch. Nhờ hoạt động hiệu quả, đến nay, HTX có mức thu lãi khoảng 58 triệu đồng và phát triển thêm dịch vụ xây dựng công trình phúc lợi, góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương.
Góp sức xây dựng huyện nghèo
Với sự nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, trong đó có vai trò đóng góp tích cực của đội ngũ cán bộ, trí thức trẻ, tình hình kinh tế-xã hội của huyện Bác Ái năm qua tiếp tục tăng trưởng ổn định, có 11/18 chỉ tiêu vượt kế hoạch đề ra. Trong đó, có một số chỉ tiêu quan trọng: Tổng giá trị sản xuất toàn ngành ước đạt 100,11%, tăng 9,7% so với năm 2011; thu ngân sách trên địa bàn đạt 104% KH tỉnh giao, tăng 20%; tổng đàn gia súc 31.200 con, đạt 108% (tăng 13,6%); giải quyết việc làm 1.219 lao động, đạt 102% KH; 7/9 xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, đạt 116,6%KH; tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng mở rộng tăng 0,5% so với năm trước; tỷ lệ hộ nghèo giảm 8,79% (vượt 0,79% so với chỉ tiêu đề ra). Lãnh đạo Huyện ủy Bác Ái nhìn nhận: “Đội ngũ cán bộ được tăng cường về làm PCT. UBND xã tuy thời gian nhận nhiệm vụ tại địa phương chưa lâu, nhưng chính họ đã có những việc làm thiết thực, hiệu quả. Bước đầu khẳng định được khả năng, trình độ, tính xông xáo, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm của tuổi trẻ. Địa phương sẽ luôn tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ các PCT. UBND xã thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ được giao”.
Cán bộ trẻ bám đồng hướng dẫn nông dân xã Phước Tiến kỹ thuật trồng lúa đạt năng suất cao.
Ảnh: Sơn Ngọc
Trong năm mới 2013, những PCT. UBND xã được tăng cường về huyện Bác Ái dự định triển khai nhiều chương trình phục vụ phát triển kinh tế địa phương, chủ yếu tập trung nhân rộng mô hình sản xuất như: bắp lai, lúa cao sản, nâng cao chất lượng đàn heo địa phương, liên kết tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp... Đồng thời chủ động, mạnh dạn tham mưu, đề xuất nhiều chủ trương về xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống người dân. Cao Thị Thanh Huyền, PCT. UBND xã Phước Chính nêu quyết tâm: “Hầu hết chúng tôi là những cán bộ trẻ, tuy còn thiếu kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo, điều hành nhưng với kiến thức đã được đào tạo trong nhà trường, ý thức trách nhiệm và nhiệt huyết của tuổi trẻ, chúng tôi sẽ nỗ lực hết mình, phát huy năng lực bản thân, cùng với cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong xã thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội mà Nghị quyết BCH Đảng bộ huyện đề ra trong năm 2013 và những năm tiếp theo”.
Từ kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội đạt được trong năm qua cho thấy Bác Ái đang dần “chuyển mình” đi lên. Với sự đoàn kết, nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn huyện, niềm tin tưởng về một Bác Ái phát triển sẽ không còn xa khi cán bộ trẻ trên vùng cao ngày càng trưởng thành và từng bước khẳng định mình.
Đồng chí Phạm Văn Sâm,Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Bác Ái
Năm 2013, được xác định là năm quyết định kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, chính vì vậy, Huyện ủy tập trung chỉ đạo các ngành và địa phương tập trung mọi nguồn lực thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra. Theo đó, mục tiêu của huyện là huy động tối đa các nguồn vốn hỗ trợ đầu tư cho cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội; phát huy cao nội lực thực hiện đồng bộ các giải pháp, phấn đấu duy trì tốc độ giảm nghèo nhanh, theo hướng bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững ổn định chính trị, thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Phấn đấu trong năm 2013 tổng giá trị sản xuất toàn ngành đạt 196 tỷ đồng; tổng sản lượng lương thực 15.000 tấn; tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên giữ ở mức 1,8%; tỷ lệ hộ nghèo giảm trên 8%...
Để thực hiện mục tiêu nêu trên, huyện đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm: Tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; phát triển sản xuất nông-lâm nghiệp gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới; tăng cường quản lý, khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường; phát triển tiểu thủ công nghiệp-thương mại-dịch vụ; nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng các nguồn vốn đầu tư. Nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo; thực hiện tốt các chính sách về y tế, dân số, giải quyết việc làm, an sinh xã hội. Củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh-chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Ban Chấp hành Đảng bộ huyện cũng nghiêm túc triển khai các giải pháp đồng bộ, trong đó nhấn mạnh tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao năng lực quản lý của Nhà nước, khơi dậy sức mạnh tổng hợp của toàn dân trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội. Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính ở cấp mình. Tăng cường kiểm tra, giám sát, nhất là trên lĩnh vực quản lý đất đai, bảo vệ và phát triển rừng, quản lý sử dụng tài chính. Tiếp tục củng cố và kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức từ huyện đến xã, phát huy vai trò của Mặt trận, đoàn thể trong công tác vận động, tập hợp sức mạnh nhân dân trong xây dựng nông thôn mới.
Diễm My