Mặc dù công việc cuối năm bận rộn nhưng chị Nguyễn Thị Diệu Tuyết, Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Hải vẫn dành thời gian tiếp chuyện chúng tôi. Chị cho biết: “Cuối năm, vừa họp tổng kết địa phương, rồi đến tổng kết ngành, chăm lo Tết cho nhân dân..., về nhà lại lo công chuyện gia đình…bận rộn lắm.
Phụ nữ giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp ở địa phương
tại Đại hội Phụ nữ nhiệm kỳ 2011-2016.
Dù vất vả nhưng mình rất vui và tự nhủ luôn cố gắng, cống hiến hết mình cho xã hội”. Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Lịch sử Trường Đại học Đà Lạt, năm 1989, chị Tuyết lập gia đình, cùng chồng về Ninh Thuận sinh sống và được nhận vào làm chuyên viên Văn phòng Huyện ủy Ninh Hải. Năm 2004, chị được tín nhiệm đề bạt Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Hải cho đến nay. Đối với chị Tuyết, hơn 25 năm công tác là một chặng đường dài nỗ lực, phấn đấu vươn lên. Chị luôn tận tụy với công việc, không ngừng học tập nâng cao trình độ về mọi mặt và rất tích cực xuống cơ sở để nắm bắt tình hình đời sống, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, các tổ chức ở cơ sở để từ đó kịp thời tham mưu, làm tốt công tác quản lý, điều hành, góp phần tạo nhiều chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế- xã hội của địa phương. Không chỉ khẳng định được vai trò, vị trí ngoài xã hội, thành quả “ngọt ngào” của những ngày tháng vất vả mà chị có được là một mái ấm gia đình với người chồng luôn thấu hiểu, chia sẻ những vất vả, khó khăn và hai đứa con ngoan giỏi, thành đạt. Hiện chị còn đảm nhận vai trò Trưởng Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ huyện. Chị Tuyết chia sẻ: “Cũng là phụ nữ, tôi rất hiểu chị em phải khó khăn như thế nào để hoàn thành tốt công việc gia đình và xã hội. Nhưng theo tôi rào cản lớn nhất đối với sự tiến bộ phụ nữ chính là tư tưởng an phận của các chị em ta. Hầu hết chị em cho rằng việc thăng tiến, đối ngoại, xã giao, trọng trách xã hội là việc của nam giới, còn nhiệm vụ của phụ nữ quan trọng là chăm sóc gia đình, chính vì vậy chị em ta ít có ý chí tiến thủ. Để thay đổi được tư tưởng này cần có sự vào cuộc tích cực trong công tác tuyên truyền của tất cả các ban, ngành, đoàn thể, cơ quan”.
Phụ nữ chăm sóc cây nho đem lại giá trị kinh tế cao bảo đảm đời sống gia đình no ấm.
Ngược lên huyện miền núi Bác Ái, tìm gặp chị Pi-năng Thị Mai, Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện. Chị tâm sự: Sinh ra và lớn lên ở vùng cao xã Phước Tân (Bác Ái), từ nhỏ mình đã nhận thức rằng cái nghèo, cái khổ của bà con mình chính là do không được học hành, thiếu cái chữ mà ra nên dù hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn, đường đến trường có xa xôi tôi cũng quyết tâm đi học. Sau khi tốt nghiệp THCS, năm 1996, chị xin vào dạy học tại Trường Tiểu học xã Phước Tiến. Là người có năng lực, năm 1999, chị được tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch HĐND xã Phước Tân, sau đó làm Chủ tịch UBND xã. Để nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới, chị tranh thủ đi học lớp bổ túc văn hóa ban đêm tại Trường Hướng nghiệp dạy nghề Ninh Sơn và tốt nghiệp chương trình THPT năm 2008. Đến năm 2010, chị được bầu cử làm Chủ tịch Hội Liên Hiệp Phụ nữ huyện cho đến nay. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, chị vạch ra cho mình một kế hoạch công tác, sắp xếp thời gian khoa học để làm tốt công việc gia đình và xã hội. Chị tranh thủ dành thời gian tích cực xuống cơ sở tìm hiểu đời sống, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, khó khăn của chị em hội viên, phụ nữ; vận động chị em tham gia các phong trào thi đua lao động sản xuất làm kinh tế giỏi, thực hiện phong trào “5 không 3 sạch”, đồng thời phối hợp với các ngành chức năng triển khai nhiều mô hình kinh tế hiệu quả giúp chị em xóa đói giảm nghèo, cải thiện kinh tế gia đình, vươn lên làm giàu…, góp phần tích cực cho công tác Vì sự tiến bộ phụ nữ ở địa phương. Hiện nay, chị đang theo học lớp Đại học Hành chính do Trường Chính trị tỉnh tổ chức.
Chị Mai, chị Tuyết và rất nhiều nữ cán bộ tiêu biểu về tinh thần cầu tiến, vượt khó vươn lên, tìm cho bản thân chỗ đứng trong xã hội. Những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, đề ra nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật liên quan đến vấn đề bình đẳng giới, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai công tác Vì sự tiến bộ phụ nữ. Đối với tỉnh ta, để thực hiện tốt công tác này, từ năm 2001, UBND tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo Vì sự tiến bộ phụ nữ, đề ra 5 mục tiêu với 27 chỉ tiêu thực hiện tốt các công tác liên quan đến sự phát triển phụ nữ trên tất cả các lĩnh vực như giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo, chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ; nâng cao vai trò của phụ nữ trên các lĩnh vực phát triển kinh tế- xã hội, tạo điều kiện cho phụ nữ nắm giữ các vị trí chủ chốt trong các cơ quan, đơn vị, địa phương…Trên cơ sở đó, chính quyền các cấp, các ban, ngành, đoàn thể tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền, đồng thời thực hiện lồng ghép Kế hoạch hành động Vì sự tiến bộ phụ nữ với các phong trào thi đua, giúp chị em nêu cao tinh thần tự lực tự cường, khắc phục khó khăn học tập nâng cao trình độ về mọi mặt, phấn đấu nỗ lực vươn lên, khẳng định vai trò, vị trí của mình trong gia đình và xã hội. Điển hình trong số đó có các phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong nữ CB, CNVC- LĐ; phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”; “Phụ nữ đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo” của Hội Phụ nữ các cấp…
Phụ nữ xã Phước Hậu (Ninh Phước) giúp nhau phát triển kinh tế gia đình
cải thiện cuộc sống, vươn lên thoát nghèo. Ảnh: Thanh Long
Qua bình xét, năm 2012 có 10.824 chị đạt danh hiệu “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”; đạt tỷ lệ 81% trong tổng số nữ công nhân, viên chức, lao động đăng ký. Từ các nguồn vốn vay, Hội PN tỉnh đã giải ngân được trên 111,1 tỷ đồng giúp cho 12.849 hộ gia đình vay vốn, nâng tổng dư nợ hiện nay là gần 553,4 tỷ đồng, tạo vốn làm ăn phát triển kinh tế gia đình cho 40.142 hộ, qua đó giúp 741 hộ phụ nữ nghèo làm chủ hộ thoát nghèo. Số lượng nữ đảm nhiệm các chức vụ lãnh đạo chủ chốt trong các cơ quan quản lý nhà nước và số nữ được bầu vào HĐND các cấp không ngừng tăng lên. Năm 2012, số nữ đảm nhiệm các chức vụ lãnh đạo chủ chốt trong các cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh là 121 chị, tăng 33 chị so với năm 2007; cấp huyện 27 chị, tăng 10 chị; cấp xã 37 chị, tăng 12 chị; số nữ đại biểu HĐND (nhiệm kỳ 2011-2016) cấp tỉnh có 13 chị; cấp huyện 57 chị, tăng 26 chị so với nhiệm kỳ trước; cấp xã 416 chị, tăng 77 chị.
Xác định tầm quan trọng của công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ phụ nữ, thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động, dần thu hẹp khoảng cách giới, nâng cao vị thế của phụ nữ, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế- xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống cho toàn dân nói chung và phụ nữ nói riêng. Phấn đấu đến năm 2015, có từ 55-85% sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ; 30% doanh nghiệp do nữ làm chủ; tỷ lệ nữ thạc sỹ chiếm 40% trong tổng số thạc sĩ được đào tạo; hàng năm số lượng nữ được tạo việc làm mới chiếm 50%. Bên cạnh đó, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ sẽ tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cộng tác viên, các Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ các cấp…, tạo tiền đề thực hiện tốt các mục tiêu Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2012-2015.
Linh Giang