Xây dựng Các vùng chuyên canh
Với tổng diện tích tự nhiên 342,3 km2, trong đó diện tích đất canh tác nông nghiệp hàng năm có gần 26.000 ha, huyện Ninh Phước đã tận dụng điều kiện vốn có, tập trung khai thác tiềm năng lợi thế, đưa sản xuất nông nghiệp phát triển ngày càng tăng về quy mô, sản lượng, chất lượng và sức cạnh tranh hàng hóa nông sản trên thị trường; quy hoạch được các vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản cho hiệu quả kinh tế cao.
Một góc trung tâm huyện lỵ Ninh Phước ngày nay. Ảnh: Thanh Long
Tại vùng chuyên canh lúa giống ở các xã Phước Hậu, Phước Thuận, Phước Hữu, Phước Dân, đồng chí Nguyễn Hữu Đức, Bí thư Đảng ủy xã Phước Hậu nhận xét, mô hình sản xuất lúa giống ở đây chủ yếu làm trong vụ đông- xuân, với diện tích 150-200 ha đã giúp nông dân lãi gấp 1,8 lần so với lúa thương phẩm nhờ năng suất tăng và tiết kiệm đáng kể chi phí đầu tư. Còn tại vùng chuyên canh giống bắp lai tại các xã Phước Sơn, Phước Vinh, đồng chí Mai Quốc Tuấn, Bí thư Đảng ủy xã Phước Vinh cho biết, nông dân Phước Vinh đã gieo trồng 40 ha bắp lai nhân giống, cụ thể đã ký kết hợp đồng với Công ty Bioseed và Công ty Giống cây trồng Miền Nam. Thông qua các HTX, các công ty cung ứng giống, đầu tư phân bón, ứng vốn, hỗ trợ thuốc bảo vệ thực vật và bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho nông dân nên đã đem lại hiệu quả kinh tế, mỗi hécta nông dân lãi bình quân 28 đến 35 triệu đồng. Với việc đưa hồ thủy lợi Lanh Ra vào sử dụng phục vụ tưới tiêu cho 1.050 hécta lúa 3 vụ/năm, xã Phước Vinh đang phát triển nông nghiệp theo hướng khôi phục lại vùng chuyên canh bắp giống, sản xuất mỗi năm hàng trăm hécta cung ứng cho thị trường.
Hay tại vùng chuyên canh nuôi trồng thủy sản An Hải-Phước Hải. Trên quy hoạch tổng thể của tỉnh, huyện cũng đã tiến hành quy hoạch, sắp xếp lại diện tích nuôi tôm thương phẩm và khu vực sản xuất tôm post. Qua đó, hình thành các vùng nuôi tập trung cho hiệu quả cao về nhiều mặt: kinh tế, môi trường, xã hội… Chỉ riêng trong năm 2012, diện tích nuôi tôm thịt 146 ha, đạt gần 104,3% kế hoạch, vượt 9,2% so với năm 2011, với sản lượng 1.198 tấn. Về sản xuất tôm giống, hiện toàn huyện có 71 trại tập trung chủ yếu ở xã An Hải, xuất bán 7.117 triệu con post, đáp ứng về nhu cầu giống cho người nuôi trong và ngoài tỉnh. Hiện nay, huyện Ninh Phước được tỉnh chọn để quy hoạch thành Trung tâm sản xuất giống chất lượng cao của cả nước với quy mô khoảng 70 ha, đây sẽ là tiền đề cho địa phương phát triển trong tương lai.
Nông dân xã Phước Sơn (huyện Ninh Phước) đầu tư trồng bắp lai đem lại giá trị kinh tế cao
bảo đảm thoát nghèo bền vững. Ảnh: Sơn Ngọc
Chính nhờ bước tiến này mà đến nay nền kinh tế của huyện Ninh Phước đã tăng trưởng khá, góp phần đưa tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của huyện năm 2012 đạt 688,5 tỷ đồng, tăng 8,7% so với năm 2011, chiếm 47% tổng giá sản xuất của toàn huyện. Góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 8,57%, nâng mức thu nhập bình quân đầu người lên 12,7 triệu đồng/năm, thúc đẩy kinh tế-xã hội huyện tăng trưởng, đảm bảo ổn định an sinh xã hội trên địa bàn huyện.
Hướng đi bền vững
Đồng chí Nguyễn Thị Luyện, Chủ tịch UBND huyện Ninh Phước, đánh giá, thành quả khá toàn diện mà kinh tế nông nghiệp đạt được trong những năm gần đây là căn cứ quan trọng để ngành nông nghiệp của huyện từng bước hướng tới nền sản xuất hàng hóa. Cùng với quy hoạch KT-XH, huyện đã xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển ngành Nông nghiệp đến năm 2020, quy hoạch này nhấn mạnh định hướng xuyên suốt đối với kinh tế nông nghiệp là phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa.
Xác định vai trò quan trọng của sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn trong cơ cấu kinh tế, nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Ninh Phước nhiệm kỳ 2011-2015 đã nhấn mạnh mục tiêu đến năm 2015 sẽ gieo trồng hàng năm 14.646 ha lúa, 2.340 ha bắp, trong đó có 900 ha lúa giống và 900 ha bắp giống; hình thành vùng chuyên canh lúa, lúa giống ở các xã Phước Thuận, Phước Hậu, Phước Hữu, Phước Thái và thị trấn Phước Dân; cây công nghiệp ngắn ngày và cây ăn quả ở hầu hết các xã, thị trấn phía tây Quốc lộ 1A; rau, đậu sạch các loại ở các xã An Hải, Phước Hải, Phước Thuận và Phước Sơn; chú trọng tạo thương hiệu nho sạch tươi và rượu vang Ninh Phước; các vùng nuôi trồng thủy sản ở An Hải-Phước Hải…
Nông dân xã Phước Hậu áp dụng hiệu quả mô hình "1 phải, 5 giảm" canh tác lúa đạt năng suất cao.
Ảnh: Sơn Ngọc
Theo đó, trong thời gian đến, trên quy hoạch phát triển KT-XH của huyện đến năm 2020, huyện sẽ tập trung tổ chức và chỉ đạo sản xuất nông nghiệp theo các quy hoạch, đề án, dự án được phê duyệt; tập trung chỉ đạo vùng sản xuất hàng hoá cho từng cây, con, từng vùng, nhằm mục tiêu nâng tỷ trọng sản phẩm hàng hoá. Tăng cường công tác khuyến nông-ngư, phát huy sức mạnh hệ thống khuyến nông-ngư cơ sở. Đầu tư cơ sở vật chất và cán bộ cho hệ thống thú y, bảo vệ thực vật; tăng cường trang, thiết bị, đáp ứng các yêu cầu phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Đổi mới công tác khuyến nông-ngư theo hướng chọn mô hình sản xuất hàng hoá, sản phẩm an toàn, cán bộ khuyến nông-ngư chỉ đạo mô hình phải có kinh nghiệm thực tế, có tinh thần cao, bám sát đến từng cây trồng, vật nuôi để chuyển giao tiến bộ kỹ thuật sản xuất đến nông dân. Nhân rộng các mô hình sản xuất cây trồng, vật nuôi áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới có hiệu quả. Xây dựng các vùng sản xuất nông sản hàng hoá an toàn, xây dựng thương hiệu hàng hoá cho một số nông sản chủ lực của huyện, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất và chế biến nông sản. Tranh thủ và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn để đầu tư các chương trình, dự án trọng điểm nông nghiệp, nông thôn.
Đồng chí Lưu Nào, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Ninh Phước
Năm 2013, Huyện ủy Ninh Phước tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; phát huy mạnh mẽ vai trò của Mặt trận và các đoàn thể; tăng cường quản lý và điều hành có hiệu quả của chính quyền; tập trung tháo gỡ khó khăn, huy động mọi nguồn lực để đẩy mạnh phát triển KT-XH; giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Trên cơ sở đó, huyện xác định 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm: Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về việc đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI): “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và các Nghị quyết, Chỉ thị, quy định của Trung ương, Tỉnh uỷ và Huyện uỷ, làm chuyển biến rõ nét về nhận thức, chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và đảng viên. Nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản và đảm bảo vệ sinh môi trường. Tập trung phát triển kinh tế, thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới. Phát triển và nâng cao chất lượng các lĩnh vực văn hoá- xã hội và đảm bảo an sinh xã hội. Phấn đấu tổng giá trị sản xuất các ngành 1.648 tỷ đồng, tăng 12,49%; sản lượng lương thực có hạt 106.441 tấn; thu ngân sách 28,25 tỷ đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 8%; giải quyết việc làm 2.500 lao động; 80% tổ chức cơ sở đảng đạt trong sạch, vững mạnh.
Phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, Đảng bộ và nhân dân huyện Ninh Phước quyết tâm nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ, chỉ tiêu, tạo tiền đề thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp.
Xuân Bính