Hộ anh Nguyễn Văn Hùng ở địa phương được chọn nuôi thử nghiệm. Trên 2 sào ao trước đây nuôi cá mè, trắm, chép, anh tháo cạn nước, vét bớt bùn, dọn sạch cỏ, rong bám xung quanh bờ ao, rãi vôi bột phơi nắng 3 ngày rồi cho nước vào thả giống cá diêu hồng với mật độ 6 con/m2. Điều thuận lợi, anh được hỗ trợ toàn bộ 12.000 con giống trị giá gần 11 triệu đồng và 40% thức ăn (2 tấn cám công nghiệp, trị giá 24 triệu đồng).
Sau 5 tháng nuôi, cá diêu hồng của hộ anh Nguyễn Văn Hùng đạt trọng lượng 0,5 kg/con.
Hằng ngày, anh dùng gạo nấu chín trộn với cám tổng hợp vắt tròn cho cá ăn. Anh bố trí các sàn ăn trong ao để kiểm tra lượng thức ăn hằng ngày, sử dụng nhiều sàn để cá lớn, cá nhỏ đều được ăn, tránh dư thừa thức ăn gây lãng phí và ô nhiễm nguồn nước. Kết quả sau 5 tháng chăm sóc, tỷ lệ sống đạt 85%, cao hơn kế hoạch đề ra 15%. Trọng lượng cá đạt 0,5 kg/con, cao hơn kế hoạch đề ra 0,1%/kg. Sản lượng thu được hơn 4 tấn. Với giá cá 32 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí còn lãi trên 42 triệu đồng.
Anh Hùng, cho biết: Tôi nuôi cá nước ngọt hơn 10 năm nay, nhưng chưa có loại nào dễ nuôi, được giá và dễ bán như cá diêu hồng. So với cá trắm, chép thì thời gian sinh trưởng của cá diêu hồng ngắn hơn. Vụ cá tới tôi sẽ mở rộng diện tích nuôi lên 1 ha.
Đồng chí Võ Tấn Hậu, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, cho biết: Đây là mô hình đầu tiên triển khai tại địa phương. Qua thực tế cho thấy, cá diêu hồng thích nghi với môi trường sống ở đây. Với mục đích thông qua nuôi thử nghiệm để nhân rộng mô hình, nên trong thời gian thực hiện chúng tôi đã tổ chức cho nông dân tham quan, tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm. Đến khi thu cá, đơn vị đã tổ chức hội nghị đầu bờ có sự tham gia của đông đảo bà con. Qua thăm dò, có rất nhiều hộ dự định sẽ nuôi cá diêu hồng trong thời gian tới. Triển vọng phát triển nghề nuôi cá diêu hồng là rất lớn, vì ở địa phương có hệ thống kênh mương thủy lợi cung cấp nguồn nước ngọt dồi dào cho các ao hồ.
Anh Tùng