Diễn kịch đón tết trong trại giam

(NTO) Ngày 13-9-1966, trên đường đi biểu diễn, 11 diễn viên của Đoàn văn công Liên khu 5 đã bị Sư đoàn không vận số 1 của Mỹ càn quét, vây bắt đưa về trại giam tù binh Pleiku. Ông Nguyễn Hải Liên - nguyên Giám đốc Sở Văn hóa-Thông tin Ninh Thuận, một trong những tù binh nghệ sĩ ngày ấy - đã kể lại những lần cùng đồng đội biểu diễn văn nghệ đón Tết trong các trại giam tù binh của địch…

Đầu tháng 2-1967, để chuẩn bị đón cái Tết đầu tiên trong trại giam, anh em tù binh trại giam Pleiku quyết định tổ chức biểu diễn một vở tuồng nói về khí tiết của người tù binh cộng sản thông qua hình ảnh danh tướng Trần Bình Trọng. Để che mắt địch, họ chỉ nói với viên chỉ huy trại là tổ chức hát bội tuồng cổ, nếu được chấp thuận thì sẽ làm sân khấu ngoài trời để biểu diễn cho cả giám thị cùng xem. Viên Trung úy Cao - Chỉ huy trại giam - đã chấp thuận cho anh em tù binh diễn tuồng vui tết. Hay tin, anh em tù binh đã loan báo cho mọi người cùng biết và tới xem.

Ông Nguyễn Hải Liên (bên trái) và đồng đội trong cuộc gặp mặt ngày 29-10-2012 tại Hà Nội.

Khoảng 7 giờ tối 30 Tết Đinh Mùi (1967), các tù binh đã có mặt trước sân khấu biểu diễn. Cùng lúc, xe ô tô của địch cũng vừa tới cổng, mang theo dàn trống cùng các thiết bị âm thanh. Thì ra, bọn địch đã tính toán, bố trí cho các sĩ quan tâm lý chiến tới biểu diễn, tuyên truyền “chống Cộng” trên cùng một sân khấu. Mở đầu buổi diễn là tiết mục ca hát của các diễn viên tâm lý chiến nói về tình yêu, quê hương nhằm tác động đến tình cảm và dụ dỗ anh em tù binh chiêu hồi. Khán giả tù binh như lơ đãng, chẳng nghe thấy gì, chỉ có vài tiếng vỗ tay lẹt đẹt của đám lính quân cảnh và giám thị. Các diễn viên tâm lý chiến có vẻ “cụt hứng”, nhưng chúng cũng cố đàn hát một vài bài rồi mới chịu nhường sân khấu cho các diễn viên tù binh.

“Lực lượng biểu diễn của ta hôm ấy có các nghệ sĩ Võ Sĩ Thừa (vai Trần Bình Trọng), Kim Hùng (vai Thoát Hoan), Phạm Hữu Thành (vai Trần Ích Tắc), Nguyễn Thành Châu (vai tướng của Thoát Hoan)… Riêng tôi là diễn viên kịch dân ca nên chỉ sắm vai chạy cờ trên sân khấu”, ông Liên nhớ lại.

Vở tuồng “Trần Bình Trọng” bắt đầu từ đoạn Trần Bình Trọng bị mai phục, sa vào tay giặc và sau đó được viên tướng Thoát Hoan ra vẻ lịch thiệp cởi trói, rót rượu mời. Khi tên “chiêu hồi” Trần Ích Tắc bưng rượu đến, Trần Bình Trọng liền đá văng khay rượu xuống dưới sân khấu rồi chỉ mặt Thoát Hoan và Trần Ích Tắc, thét lớn: “Chưa giết hết tụi bay thì rượu kia sao uống được!”… Từ đây cho tới khi hết vở tuồng, từng đợt vỗ tay của anh em tù binh vang lên không ngớt. Biết vậy, nhưng viên chỉ huy trại giam vẫn ngồi im, trong khi bọn giám thị thì liên tục đi lại với cây gậy ba trắc trên tay, vừa gườm mắt nhìn anh em tù binh, vừa đưa mắt dò ý chỉ huy…

Buổi diễn kết thúc, viên chỉ huy trại giam và những tên còn lại miễn cưỡng vỗ tay. Mấy ngày sau, địch cho gọi một số anh em tù binh lên để tra khảo xem ai là người lãnh đạo và tổ chức việc biểu diễn vở tuồng có ý chống đối này, anh em tù binh đều khôn khéo trả lời: “Chúng tôi là dân hát bội, vào tù vì nhớ nghề nên diễn tuồng cho vui chứ đâu có chống đối ai”. Để “cộng sản không thể “làm reo” như trước”, địch đã tách anh em tù binh nghệ sĩ ra nhiều trại giam khác nhau…

Ông Liên bị đày ra trại giam Phú Quốc, tại đây các tù binh từng là nghệ sĩ chuyên nghiệp lại tiếp tục trở thành các thầy dạy nhạc, dạy múa cho các hạt nhân văn nghệ quần chúng. Ông Liên được Đảng ủy Phân khu giao phụ trách mọi hoạt động văn nghệ trong trại giam B5. Ngày ấy, giữa ngục tù nhưng các tù binh cách mạng vẫn tự làm ra được các loại nhạc cụ như: sáo, đàn cò, đàn hồ, đàn sến, đàn bầu, thậm chí cả các loại nhạc cụ hiện đại như: ghi ta, măng-đô-lin, thậm chí cả vi-ô-lông… Ông Liên kể: “Ít ai tin được trong một phân khu trại giam lại có đến hàng chục chiếc đàn các loại như vậy. Thực tế thì họ đã làm được, ví như để làm ra những chiếc đàn ghi-ta, đàn vi-ô-lông, họ đã tận dụng các mảnh sắt vụn để làm lưỡi cưa và cưa mỏng ván ép, ván gỗ thông ở những chiếc sạp nằm. Anh em cắt tôn, sau đó áp ván mỏng bên ngoài, uốn cong theo tôn để làm hộp cộng hưởng. Dây đàn thì dùng ruột dây điện bào, chuốt, quấn để làm; dây trương cung vi-ô-lông làm bằng đuôi ngựa xin ở bên ngoài hoặc bằng dây ni-lông chắc, nhựa thông chà dây trương cung được họ đốt các mắt gỗ thông ra để lấy…”.

Vốn có tay nghề diễn viên kịch dân ca, ông Liên đã hướng dẫn cho các tù binh quê Bình Định tập hát dân ca và phục dựng vở ca kịch “Thoại Khanh-Châu Tuấn” để biểu diễn vào dịp Tết Canh Tuất (1970). “Tôi chọn vở diễn này nhằm giúp anh em tự nhắc nhở mình biết vượt qua mọi gian khó, hiểm nguy, giữ trọn niềm tin yêu với quê hương, đất nước”, ông Liên kể. Sau khi đề xuất và được viên giám thị trưởng chấp thuận, sáng Mồng 1 Tết, anh em trại giam B5 gỡ tấm phản nằm ra để dựng sân khấu ở sân điểm danh và báo cho anh em tù binh ở trại bên ra cổ vũ. Các trang phục biểu diễn như áo, mũ, đai, hia… đều do anh em tù binh tự cắt, dán giấy, các loại đàn sến, đàn bầu, đàn nhị… cũng được anh em tự làm, riêng các vai nữ thì phải mất khá nhiều thời gian để hóa trang. Hôm đó trời mát nên tù binh trong trại kéo ra xem kín sân, bên kia rào, anh em trại A5 cũng đứng nhìn sang. Đám quân cảnh đứng trên các chòi thấy tù binh kéo ra sân đông đã cảnh giác hướng nòng súng về phía trại, giám thị và tốp quân cảnh tuần tiễu thì đứng ở cổng trại nhìn vào.

“Cho tới nay, tôi vẫn luôn ấn tượng với hoạt động văn nghệ quần chúng của anh em trong các trại giam tù binh cách mạng, nơi mà loại hình đồng ca, tốp ca đã trở nên phổ biến và những khúc ca cách mạng đã được họ ngân vang, biến thành vũ khí trong cuộc chiến tay không với quân thù”, ông Liên xúc động bày tỏ.