Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dự Hội thảo "Cao Lỗ - Danh tướng thời dựng nước"

Sáng 16-1, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp cùng Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bắc Ninh, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức Hội thảo “Cao Lỗ - Danh tướng thời dựng nước”. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tới dự và phát biểu tại Hội thảo.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: HN

Hội thảo được tổ chức nhằm làm rõ thêm về con người và sự nghiệp của danh tướng Cao Lỗ trong bối cảnh dựng nước thời Hùng Vương - An Dương Vương; đi sâu nghiên cứu mối quan hệ giữa lịch sử và huyền thoại, vai trò của danh tướng Cao Lỗ trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ nước Âu Lạc và những bài học cho công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hôm nay.

Phát biểu tại Hội thảo, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá cao việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp cùng Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bắc Ninh, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức Hội thảo về Cao Lỗ – một danh tướng đã giúp Vua Thục Phán - An Dương Vương dựng nên nhà nước Âu Lạc. Người đã hiến kế với nhà vua rời đô xuống đồng bằng và dựng thành Cổ Loa; chế ra nỏ thần Liên châu, thứ vũ khí thần dũng vô địch để bảo vệ nước Âu Lạc.

Chủ tịch nước nhấn mạnh, cuộc Hội thảo là dịp để tôn vinh, thể hiện lòng biết ơn của chúng ta đối với các bậc tiền nhân đã có công trong lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc; đồng thời để rút ra những bài học lịch sử cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta hôm nay.

Chủ tịch nước cũng chỉ rõ: Danh tướng Cao Lỗ là vị Anh hùng dân tộc, biểu tượng của ý chí, trí tuệ và sức mạnh Việt Nam trong thời kỳ đầu giữ nước và được nhân dân ta sùng kính thờ phụng ở rất nhiều nơi trong suốt hàng nghìn năm lịch sử đã qua. Tôn vinh công đức của danh tướng Cao Lỗ - bậc tiền nhân có công với dân, với nước là đạo lý, truyền thống của dân tộc ta, là nền tảng văn hóa tinh thần làm nên sức mạnh vô địch, sức sống trường tồn của đất nước ta.

Tại Hội thảo, dưới những góc độ chuyên ngành hoặc liên ngành, các nhà khoa học, sử học, khảo cổ học, dân tộc học, ngôn ngữ học... đã cùng ôn lại lịch sử và sự nghiệp của danh tướng Cao Lỗ.

Hội thảo tập trung thảo luận, làm rõ một số nội dung: Danh tướng Cao Lỗ trong bối cảnh lịch sử dựng nước thời Hùng Vương – An Dương Vương, xác định rõ trong hoàn cảnh và trên cơ sở nào đã tạo nên con người và sự nghiệp của Cao Lỗ; nghiên cứu về mối quan hệ giữa thời Hùng Vương với thời An Dương Vương, nguồn gốc của Thục Phán, sự ra đời của nước Âu Lạc; đi sâu nghiên cứu về danh tướng Cao Lỗ trong mối quan hệ giữa lịch sử và huyền thoại, vai trò của Cao Lỗ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ nước Âu Lạc; những nơi thờ danh tướng Cao Lỗ, đặc biệt là làng Đại Than, nay thuộc Cao Đức, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh cùng những tục lệ dân gian và những chuyển biến của vùng quê này cho đến ngày nay.

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: HN

Nhiều tham luận của các nhà khoa học khẳng định: Danh tướng Cao Lỗ đã có những cống hiến to lớn trong việc xây dựng thành Cổ Loa, sáng chế “nỏ thần”. Các nhà nghiên cứu nêu cao tài năng và phẩm giá của danh tướng Cao Lỗ cũng như những bài học cần rút ra từ những sai lầm của An Dương Vương trong việc không biết dùng người tài, trong nhận thức không đúng về bản chất cùng những thủ đoạn quỷ quyệt của kẻ thù.

Với những kết quả nghiên cứu khoa học mang tính liên ngành tại Hội thảo đã cho phép vén dần bức màn bí ẩn của huyền thoại, truyền thuyết, làm rõ dần những trang sử của thời dựng nước cùng cuộc sống của các cộng đồng cư dân và một số nhân vật tiêu biểu, trong đó có danh tướng Cao Lỗ.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam