Toàn cảnh hội nghị, Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Năm 2012, mặc dù nền kinh tế tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, khó lường nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ, nỗ lực của các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, nền kinh tế nước ta đã có chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả trong việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội… Trong kết quả đó, có sự đóng góp quan trọng của các doanh nghiệp nhà nước, mà chủ lực là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước .
“Những đóng góp của doanh nghiệp nhà nước là một thực tế, không ai có thể phủ nhận được”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định.
Thủ tướng nhấn mạnh, bước sang năm 2013, tình hình kinh tế - xã hội sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi sự nỗ lực cố gắng và quyết tâm cao hơn nữa của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước. Với vai trò là lực lượng nòng cốt của nền kinh tế, các tập đoàn, tổng công ty cần phải rà soát, phấn đấu nâng cao hơn nữa mục tiêu, kế hoạch sản xuất kinh doanh đã đề ra trong năm 2013.
Năm 2012 tổng doanh thu của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đạt trên 1.621.000 tỷ đồng, bằng 92% so với kế hoạch năm, tăng 2% so với thực hiện năm 2011, các tập đoàn, tổng công ty có doanh thu lớn như dầu khí, điện lực, hàng không…; tổng lợi nhuận trước thuế đạt 127.510 tỷ đồng, tổng nộp ngân sách của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đạt 294.000 tỷ đồng…
Thủ tướng yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước cần nghiêm túc nhìn nhận những yếu kém của mình , đó là, còn có những tập đoàn, tổng công ty làm ăn thua lỗ kéo dài; công tác quản trị doanh nghiệp chưa có chuyển biến nhiều; đầu tư dàn trải, kém hiệu quả, tái cơ cấu chậm, còn tình trạng lãng phí, tham nhũng;…
Báo cáo tình hình hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước của Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp cho thấy các doanh nghiệp đã từng bước nhận thức những yếu kém, xây dựng đề án tái cấu trúc, khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Chính phủ trong việc chấn chỉnh hoạt động đầu tư ngoài ngành, lĩnh vực kinh doanh chính. Đây là những bước đi hết sức cần thiết để các tập đoàn, tổng công ty nhà nước triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch phát triển trong năm 2013, vốn được dự báo là rất nhiều khó khăn.
Không để xảy ra tiêu cực khi thoái vốn
Trên tinh thần chung như vậy, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước tập trung xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh, đầu tư phù hợp trên cơ sở rà soát, xác định lại nhiệm vụ, ngành nghề kinh doanh chính; tích cực triển khai nghiên cứu ứng dụng, đầu tư cho đổi mới công nghệ, đổi mới sản phẩm, dịch vụ, từng bước nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm, dịch vụ.
Thủ tướng trao đổi với các đại biểu dự Hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Doanh nghiệp nhà nước, mà trọng tâm là tập đoàn kinh tế và tổng công ty, quyết liệt thực hiện tái cơ cấu theo Đề án đã được phê duyệt; tập trung đẩy nhanh tiến độ và thực hiện giảm vốn Nhà nước không cần nắm giữ tại các doanh nghiệp đã cổ phần hoá, chỉ tập trung vào lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh chính; kiên quyết thoái vốn đã đầu tư ra ngoài lĩnh vực kinh doanh chính.
Nông nghiệp là trụ đỡ quan trọng của nền kinh tế, trong đó, điểm nhấn là xuất khẩu lương thực. Các bộ, ngành cần nhanh chóng tính toán hợp lý để đảm bảo mua hết lúa hàng hóa trong dân để tạm trữ, đảm bảo người trồng lúa lãi 30%. Phải triển khai sớm, làm thật tốt việc mua tạm trữ hết lúa hàng hóa vụ Đông Xuân, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo.
Những tập đoàn, tổng công ty đang có khó khăn về tài chính, một mặt cần làm rõ trách nhiệm của cán bộ quản lý có liên quan, mặt khác cần cơ cấu lại vốn, tài sản theo hướng đánh giá thực trạng, xác định nhu cầu vốn để có cơ chế xử lý bổ sung vốn tiếp tục thực hiện các dự án đầu tư có hiệu quả, hạn chế thất thoát vốn do kéo dài thời gian dự án và cơ cấu lại tài sản.
“Thoái vốn phải hết sức chặt chẽ, không để tiêu cực xảy ra trong quá trình thoái vốn”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu yêu cầu.
Bên cạnh đó là nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, kiện toàn tổ chức quản lý. Tăng cường hơn nữa tính công khai, minh bạch trong hoạt động của doanh nghiệp nhà nước; kết quả sản xuất kinh doanh phải được công bố công khai, minh bạch, trung thực, kịp thời với báo chí, dư luận để xã hội hiểu đúng về doanh nghiệp nhà nước.
Ngoài ra, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu các Bộ, ngành trung ương và các địa phương cần hết sức quan tâm, tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động và thúc đẩy quá trình đổi mới, sắp xếp, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước.
Nguồn Chinhphu.vn