Toàn cảnh hội nghị. (Ảnh: dangcongsan.vn)
Báo cáo tại Hội nghị, ông Phạm Viết Muôn, Phó trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Trung ương cho biết, năm 2012, các tập đoàn, tổng công ty đạt tổng doanh thu trên 1,6 triệu tỷ đồng, bằng 92% kế hoạch, tăng so với năm 2011. Tổng lợi nhuận trước thuế của các tập đoàn, tổng công ty đạt 127.510 tỷ đồng, giảm 5% so với thực hiện năm 2011. Tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu bình quân đạt 17,4%. Trong đó các tập đoàn, tổng công ty có lợi nhuận cao như: Dầu khí, Viễn thông Quân đội, Bưu chính Viễn thông, Công nghiệp cao su, Công nghiệp Than - khoáng sản, Dệt may, Cảng hàng không.... Các tập đoàn, tổng công ty nộp ngân sách năm 2012 đạt 294.000 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch năm, nhưng lại giảm 12% so với thực hiện năm 2011. Trong đó, thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh nội địa chiếm 71%.
Tuy nhiên, cũng theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Đổi mới doanh nghiệp Trung ương, tổng nợ phải trả của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước là 1,33 triệu tỷ đồng, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu bình quân 1,82 lần. Tổng tài sản/tổng nợ phải trả là 1,6 lần. Nhìn tổng thể, hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của các tập đoàn, tổng công ty vẫn nằm trong giới hạn cho phép. Tuy vậy, nếu xét riêng ở một số tập đoàn, tổng công ty, tỷ lệ này vượt giới hạn cho phép, cá biệt có nơi rất cao.
Ông Phạm Viết Muôn đánh giá, trong bối cảnh hết sức khó khăn của những năm gần đây và đặc biệt là năm 2012, về cơ bản, các tập đoàn, tổng công ty đã có cố gắng nỗ lực khắc phục khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, việc làm, thu nhập cho người lao động, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước. Các tập đoàn, tổng công ty hoạt động trong lĩnh vực năng lượng, viễn thông đạt hiệu quả khá cao; trong lĩnh vực nông nghiệp tiếp tục được duy trì khá ổn định; trong lĩnh vực vận tải, xây dựng rất khó khăn.
Tại Hội nghị, đại diện nhiều tập đoàn, tổng công ty báo cáo tình hình hoạt động của đơn vị mình trong năm 2012, đồng thời chia sẻ những khó khăn và những kiến nghị lên Thủ tướng chính phủ.
Đại diện Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (Viancomin) cho biết, năm 2012 là năm khó khăn đối với ngành than khi thị trường than xuất khẩu giảm, giá bán than cho ngành điện thấp hơn giá thành, huy động vốn khó khăn. Việc duy trì đảm bảo đời sống cho 139.000 lao động với mức thu nhập trung bình 7,4 triệu/người/ tháng là một nỗ lực không nhỏ của Tập đoàn. Năm 2013, Tập đoàn kiến nghị Chính phủ cho phép giảm thuế xuất khẩu than xuống 10%. Có như vậy mới giúp ngành than đủ sức cạnh tranh trên thị trường thế giới và đảm bảo duy trì sản xuất ở mức ổn định.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao đổi với đại diện các doanh nghiệp. (Ảnh: dangcongsan.vn)
Đại diện Tổng công ty Lương thực miền Nam cho biết, năm 2012 là năm thành công trong xuất khẩu gạo về lượng với 7,5 triệu tấn gạo được xuất khẩu. Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu lại giảm so với năm 2011. Năm 2013 được đánh giá là năm cực kỳ khó khăn trong xuất khẩu gạo do nguồn cung đang tương đối dồi dào (tồn kho gạo của Ấn Độ năm 2012 lên tới 33 triệu tấn, Thái Lan lên tới 13 triệu tấn). Vì vậy, Tổng công ty Lương Thực miền Nam đề nghị Chính phủ chỉ đạo tạm trữ lúa gạo sớm. Trả lời đề nghị của Tổng công ty Lương thực miền Nam, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh khẳng định, Thủ tướng đã quyết định tạm trữ 1 triệu tấn gạo, việc này công ty và các doanh nghiệp ngành lương thực cần chủ động thực hiện. Cũng về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, nông nghiệp Việt Nam là trụ đỡ của nền kinh tế với lợi thế là lương thực. Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu, các công ty lương thực cố gắng tạm trữ lúa gạo, chỉ để nông dân giữ lại 30%. Có như vậy mới giữ thế chủ động trong giao thương.
Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) có một năm thành công trong việc khai thác thị trường trong nước cũng như đầu tư tại thị trường nước ngoài. Tuy nhiên, đại diện Tập đoàn này cho biết, hiện nay chính sách pháp luật của Việt Nam về vấn đề này lại chưa đầy đủ, vì vậy rất khó khăn cho doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư tại nước ngoài. Viettel kiến nghị Chính phủ cần bổ sung chính sách tạo điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp trong việc đầu tư ở nước ngoài....
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: dangcongsan.vn)
Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao những ý kiến trách nhiệm đầy tâm huyết của đại diện các tập đoàn, tổng công ty. Thủ tướng khẳng định sẽ tiếp thu nghiêm túc, sẽ giao từng công việc cụ thể cho từng bộ, ngành giải quyết. Đồng thời, sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế để các tập đoàn, tổng công ty hoạt động thuận lợi hơn trong xu thế hội nhập hiện nay.
Thủ tướng bày tỏ sự đồng tình với bản báo cáo của Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Trung ương về tổng quan tình hình hoạt động và tái cơ cấu tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước năm 2012. Thủ tướng nhận định, trong bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới còn nhiều khó khăn, nước ta vẫn cơ bản hoàn thành mục tiêu đặt ra với việc ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát ở mức 1 con số. Tuy rằng, còn không ít hạn chế, yếu kém cần phải cố gắng khắc phục nhưng các tập đoàn, tổng công ty nhà nước vẫn có những đóng góp đáng kể vào nền kinh tế nói chung, đảm bảo được vai trò và nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao phó. Các tập đoàn, tổng công ty tiếp tục duy trì là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần bình ổn giá cả, vật tư hàng hóa, kết hợp với phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh, quốc phòng, chủ quyền quốc gia và an sinh xã hội.
Trong năm 2013, Thủ tướng yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cần khắc phục những hạn chế khó khăn còn tồn tại. Thủ tướng đặt ra 3 nhiệm vụ trọng tâm cho năm 2013.
Thứ nhất, bám sát mục tiêu Đảng và Nhà nước đặt ra cho năm 2013. Trên tinh thần đó, các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước cần rà soát kế hoạch sản xuất, kinh doanh cho năm 2013 (doanh thu, lợi nhuận...), rà soát kế hoạch đầu tư sao cho thật hiệu quả, không đầu tư ngoài ngành...
Thứ hai, chỉ đạo quyết liệt việc tái cơ cấu doanh nghiệp. Trong đó, chú ý ban hành điều lệ quy chế nội bộ, sắp xếp cổ phần hóa các công ty con. Nếu hoạt động không hiệu quả có thể giải thể hoặc hợp nhất. Giải quyết các doanh nghiệp thua lỗ kéo dài không có khả năng phục hồi, thoái vốn đầu tư ngoài ngành....
Thứ ba, triển khai thực hiện Nghị định 99/2012/NĐ-CP về phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp. Đồng thời triển khai kết luận tại Hội nghị Trung ương 6 về doanh nghiệp nhà nước. Trong đó lưu ý các Bộ hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động minh bạch, rõ ràng...
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam