Theo đồng chí Bùi Thị Anh Vân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), nghề cá tỉnh ta đang trong thực trạng được đánh giá là chậm phát triển hơn so với các tỉnh trong khu vực. Trước hết, nói về năng lực tàu cá, tính đến cuối năm qua, toàn tỉnh có tổng số 2.604 tàu cá, với tổng công suất 214.325 CV, trong đó riêng tàu có công suất từ 90CV trở lên chiếm tỷ lệ gần 27,2%, cụ thể có 464 chiếc từ 90 CV đến dưới 250 CV, 198 chiếc từ 250 CV đến dưới 400 CV và 46 chiếc từ 400 CV trở lên. Đáng nói là, đội tàu trên 90 CV ở tỉnh ta có đến gần 90% hoạt động các nghề khai thác cá nổi (như cá cơm, cá nục) giá trị kinh tế rất thấp và thường đánh bắt ở vùng lộng nhiều hơn là vùng khơi bằng chủ yếu là nghề pha xúc.
Thu mua hải sản tại cảng cá Đông Hải (PR-TC).
Tàu lớn không nhiều đã là sự tụt hậu thấy rõ, nhưng điều đáng lo hơn là số lượng tàu cá dưới 20 CV có đến 1.218 chiếc, chiếm tỷ lệ 47,2% tổng số tàu cá trong tỉnh, chưa kể còn có khoảng 108 thuyền thúng gắn máy. Theo thống kê của Sở NN&PTNT, từ năm 2005 đến tháng 6-2012, năng lực tàu cá dưới 20 CV đã tăng thêm 449 chiếc, điều đó cho thấy hoạt động khai thác hải sản của ngư dân tỉnh nhà vẫn chủ yếu diễn ra ở các vùng biển ven bờ. Cùng với các tàu từ 20 CV-90CV, các tàu trên đang tạo áp lực lớn đe dọa môi trường và nguồn lợi thủy sản vùng lộng và vùng gần bờ của biển tỉnh ta. Qua tính toán của ngành chức năng, mật độ tàu thuyền khai thác hải sản tại vùng biển ven bờ trong tỉnh đạt khoảng 1,247 tàu/km2, tức cao hơn vùng lộng ít nhất 2,45 lần. Kỹ sư Đặng Văn Tín, Phó Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ Nguồn lợi thủy sản giải thích: “Nguyên nhân không phát triển năng lực tàu cá xa bờ được xác định do vùng biển tỉnh ta là ngư trường trọng điểm cá nổi ven bờ, ngư dân đã nhiều đời nay quen với tập quán đánh bắt này, thực tế vẫn có hiệu quả kinh tế nên không thấy có động lực để phát triển tàu đi khai thác xa bờ”.
Trước thực trạng trên, có thể thấy đã đến lúc tỉnh ta cần tổ chức lại sản xuất nghề cá và chuyển dịch dần cơ cấu đánh bắt hải sản theo hướng vươn ra khơi xa, nâng cao giá trị kinh tế. Trao đổi với chúng tôi về hướng phát triển năng lực mới của nghề cá, đồng chí Bùi Thị Anh Vân cho biết: “Để nghề cá tỉnh ta đột phá đi lên, trong xu thế phát triển mới, đóng thuyền to, tàu lớn để vươn ra khơi xa đánh bắt dài ngày là sự lựa chọn thích hợp nhất, vì ngư dân một mặt vừa làm giàu cho bản thân, một mặt vừa góp phần khẳng định chủ quyền quốc gia của biển, đảo”. Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện ngành NN&PTNT đang ráo riết hoàn chỉnh xây dựng Đề án tổ chức lại hoạt động khai thác hải sản đến năm 2020. Trọng tâm là tổ chức, sắp xếp lại nghề đánh bắt cá trên cơ sở giải quyết hài hoà các mối quan hệ giữa khai thác thuỷ sản với bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản theo hướng dần hình thành các mô hình “đồng quản lý” (tức có sự tham gia của người dân và các doanh nghiệp). Từ mô hình này sẽ tiến tới giảm dần số lượng tàu nhỏ dưới 50 CV.
Là tỉnh có tiềm năng và lợi thế về kinh tế biển, trước hết là lợi thế về khai thác hải sản, nên rất cần một hướng đi mới nhằm tạo động lực cho nghề cá phát triển. Điều cấp thiết hiện nay là ngành NN&PTNT phải tích cực tham mưu với tỉnh về cơ chế, chính sách linh hoạt, thiết thực nhằm thúc đẩy phát triển lĩnh vực khai thác xa bờ và khai thác cá có giá trị kinh tế cao. Chỉ có sắp xếp, tổ chức lại nghề đánh bắt cá hợp lý mới mong có những đóng góp xứng đáng hơn vào sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nhà.
Bạch Thương