Tuy nhiên, gần đây do cây cà chua dễ bị sâu bệnh gây hại, nông dân phải sử dụng nhiều phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, chi phí đầu tư tăng. Được sự hỗ trợ của Dự án Cạnh tranh nông nghiệp tỉnh, nông dân phường Văn Hải đang đầu tư trồng cây cà chua gốc ghép. Bước đầu, cho kết quả tốt, chi phí đầu tư cũng giảm hơn một nửa so với cà chua truyền thống.
Nông dân phường Văn Hải chăm sóc cây cà chua gốc ghép.
Trung tâm Sản xuất Giống cây trồng Nha Hố đã cung cấp giống cây cà chua gốc ghép cho nông dân phường Văn Hải trồng trên vùng đất cát. Cà chua gốc ghép được tạo thành từ gốc cây cà chua dại có khả năng kháng bệnh tốt, ghép với giống cây cà chua cao sản. Ưu điểm cây cà chua gốc ghép là phát triển nhanh, kháng bệnh tốt, tỷ lệ ra bông, đậu trái cao hơn so với cà chua bình thường, có thể trồng dày gần gấp đôi so với giống cũ, nhưng vẫn cho năng suất cao.
Với hơn 1 ha đã trồng, qua tìm hiểu của chúng tôi nhiều hộ nông dân cho biết cây phát triển rất tốt, kháng được bệnh xoắn lá, héo rũ và bồ lạch là ba loại bệnh gây hại nặng nhất cho cây cà chua địa phương. Ông Lê Văn Tám, khu phố 3, phường Văn Hải phấn khởi nói: “Tuy mới hơn một tháng, nhưng 3 sào cà chua của gia đình phát triển rất tốt, bắt đầu ra hoa và trái non, dự kiến Tết này sẽ cho thu hoạch”.
Nhằm tăng hiệu quả trồng cây cà chua, bên cạnh sử dụng giống cà chua gốc ghép, nông dân phường Văn Hải còn làm giàn cho cây leo cao khoảng 1m nhằm hạn chế bệnh nám trái, thối trái và tăng thời gian cho trái của cây cà chua lên trên 3 tháng, cao hơn một tháng so với loại cà chua thường. Nhận thấy ưu điểm cây cà gốc ghép trồng trên đất cát, hiện nay phường Văn Hải tiếp tục nhân rộng mô hình này trên đất pha cát và đất thịt. Những hộ trồng cây cà chua gốc ghép đều được Dự án Cạnh tranh nông nghiệp hỗ trợ 100% giống, 30% phân bón hữu cơ và chuyển giao kỹ thuật. Nhiều hộ nông dân phường Văn Hải đang chuyển diện tích trồng cây cà chua giống cũ, năng suất thấp sang trồng cà chua gốc ghép nhằm nâng cao thu nhập.
Mỹ Dung