Hiệu quả từ Liên minh sản xuất lúa giống Vụ Bổn

(NTO) Chúng tôi về Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ Nông nghiệp Vụ Bổn (Phước Ninh, Thuận Nam) đúng vào dịp nơi đây đang diễn ra Hội nghị tổng kết 2 năm hoạt động của Liên minh sản xuất lúa giống Nhahoseed Vụ Bổn do Ban Quản lý Dự án Cạnh tranh nông nghiệp (CTNN) tỉnh tổ chức. Qua trao đổi với những nông dân có mặt tại hội nghị, chúng tôi ghi nhận được sự hài lòng của hầu hết mọi người về kết quả đem lại từ năng suất lúa, doanh thu đến lợi nhuận.

Toàn HTX có diện tích đất nông nghiệp trên 400 ha, trong đó có 330 ha ruộng lúa. Trước kia vùng đất trồng lúa này chỉ làm được 1 vụ bấp bênh phụ thuộc vào “nước trời” năng suất thấp, từ khi có nguồn nước tưới của hồ Tân Giang dẫn về, đã tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân chuyển sang sản xuất mỗi năm 2-3 vụ ăn chắc.

HTX Dịch vụ Nông nghiệp Vụ Bổn đưa cơ giới hóa vào khâu thu hoạch lúa.

Tuy nhiên do chỉ chuyên canh tác lúa thương phẩm nên hiệu quả kinh tế không cao. Anh Mã Lạc, Chủ nhiệm HTX giải thích: Xã viên HTX là nông dân của cả 2 thôn Vụ Bổn và Tân Bổn, quanh năm gắn bó với cây lúa nhưng ít ai khá lên nhờ lúa thương phẩm. Sau khi được Dự án CTNN tỉnh hỗ trợ, nông dân của 2 thôn đã tham gia Liên minh sản xuất lúa giống Nhahoseed, tuy thời tiết không ủng hộ, nhưng với kết quả ban đầu đạt được qua 3 vụ lúa đã tạo niềm tin về cung cách làm ăn mới.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết Liên minh sản xuất giống lúa Nhahoseed Vụ Bổn thành lập vào ngày 18-11-2010 trên tinh thần tự nguyện hợp tác giữa Công ty cổ phần Giống cây trồng Nha Hố và HTX Dịch vụ Nông nghiệp Vụ Bổn (với 125 hộ nông dân tham gia). Theo ký kết thỏa thuận, Ban quản lý Dự án CTNN tỉnh hỗ trợ Liên minh sản xuất lúa 3 vụ với tổng diện tích 250 ha. Cụ thể bình quân mỗi ha được hỗ trợ gần 10 triệu đồng cho các khâu giống, vật tư nông nghiệp cùng các chi phí khác, tương đương 40% so với tổng chi phí đầu tư. Ngoài ra, bà con nông dân còn được tập huấn quy trình sản xuất lúa giống, qua đó giúp nông dân phát triển sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng và lợi nhuận.

Tác động đầu tiên qua liên minh, hợp tác sản xuất ở Vụ Bổn có thể thấy rõ là đã biến vùng đất ruộng nghèo thành vùng nguyên liệu lúa giống ổn định, chất lượng cao, phát triển bền vững. Mặt khác, đã giúp các hộ sản xuất nhỏ nâng cao năng lực sản xuất, quản lý và tiếp cận các dịch vụ về kỹ thuật và thương mại. Sau gần 2 năm thực hiện, Tổ hợp tác sản xuất thuộc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Vụ Bổn đã tiêu thụ được 1.557 tấn lúa khô, doanh thu toàn bộ đạt 9,75 tỷ đồng, trong đó bán trong Liên minh được 1.236 tấn, với giá trị 7,95 tỷ đồng. Bình quân mỗi hécta làm lúa giống, nông dân lãi gần 11 triệu đồng, cao hơn nhiều so với làm lúa thịt thương phẩm. Ông Phú Thiện, một xã viên ở thôn Vụ Bổn chia sẻ: “Tôi tham gia làm vụ lúa giống với diện tích 2,8 ha, lần đầu tiên đạt năng suất trên 7 tấn/ha. Nhờ có Liên minh, tôi được đầu tư giống, biết sử dụng phân, thuốc hợp lý, được hướng dẫn kỹ thuật từ khâu xuống giống đến thu hoạch, lại chẳng còn phải lo khâu tiêu thụ nữa. Qua thu mua của doanh nghiệp, tôi thu lãi toàn bộ gần 30 triệu đồng, mức lãi cao nhất từ trước đến nay khi làm lúa”. Điều đáng chú ý là tác động của Liên minh không riêng với vùng canh tác lúa giống mà cả với mọi cánh đồng lúa của HTX. Những năm trước bình quân năng suất lúa ở Vụ Bổn-Tân Bổn chỉ cỡ 6-6,2 tấn/ha, nay đã đạt bình quân 7 tấn/ha, cá biệt đạt 10 tấn/ha, như ruộng ông Lê Văn Long. Nếu nhìn lại thực trạng sản xuất những năm trước 2010, phải nói đây là bước đột phá mới trong sản xuất nông nghiệp tại địa phương.

Theo đánh giá của Ban Quản lý Dự án CTNN tỉnh, thông qua hoạt động liên kết sản xuất và tiêu thụ, HTX Dịch vụ Nông nghiệp Vụ Bổn không chỉ xây dựng được một vùng nguyên liệu tập trung chuyên sản xuất lúa giống chất lượng cao, mà hơn thế còn tạo mối quan hệ hợp tác lâu dài, tự nguyện giữa doanh nghiệp (Công ty cổ phần Giống cây trồng Nha Hố) và nông dân, góp phần gắn sản xuất với thị trường, qua đó tăng hiệu quả đầu tư. Thực tế có thể thấy rõ trong quá trình thực hiện hợp đồng, doanh nghiệp đã thường xuyên cử cán bộ bám đồng, nhắc nhở nông dân tuân thủ qui trình sản xuất lúa giống. Khi có phát sinh vướng mắc gì, doanh nghiệp và HTX cùng bàn bạc giải quyết. Tất cả nhằm đạt mục tiêu cuối cùng là bảo đảm chất lượng lúa giống cung cấp ra thị trường.

Hiệu quả từ Liên minh sản xuất lúa giống Nhahoseed Vụ Bổn đã được khẳng định. Tuy nhiên theo Ban Quản lý Dự án CTNN tỉnh, quan trọng là sau khi kết thúc thời gian (2 năm) hỗ trợ của dự án, phải có phương án duy trì hoạt động của Liên minh, điều này tùy thuộc vào sự liên kết sản xuất-tiêu thụ lúa giống giữa Công ty cổ phần Giống cây trồng Nha Hố và HTX Dịch vụ Nông nghiệp Vụ Bổn còn tiếp tục hay không. Theo chúng tôi, để sản xuất nông nghiệp bền vững và nâng khả năng cạnh tranh hàng hoá nông sản, HTX Dịch vụ Nông nghiệp Vụ Bổn không còn cách lựa chọn nào khác hơn là tiếp tục duy trì Liên minh sản xuất lúa giống Nhahoseed Vụ Bổn.