Thuận Bắc: Thử nghiệm mô hình trồng gừng trong bao

(NTO) Là cây trồng cạn chịu hạn tốt, gừng không chỉ có giá trị dinh dưỡng cao, dùng làm gia vị mà còn được biết đến như một loại dược liệu có nhiều công dụng. Trồng gừng không nặng công chăm sóc nhưng thời gian sinh trưởng thường kéo dài từ 8-10 tháng, hiệu quả kinh tế lại không cao so với các cây trồng khác, nên ít được nông dân lựa chọn.

Tuy nhiên, vừa qua, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thuận Bắc triển khai thí điểm Mô hình trồng gừng trong bao với số lượng 8.000 bao, tại 2 hộ thuộc 2 thôn Kiền Kiền 2 (xã Lợi Hải) và Mỹ Nhơn (xã Bắc Phong). Mô hình có nhiều ưu điểm, năng suất cao, có thể nhân rộng để tăng thu nhập cho nông dân, đặc biệt là tại các vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.

Mô hình trồng gừng trong bao, hướng đi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Mô hình nằm trong “Chương trình Khoa học và Công nghệ cấp huyện, thành phố”, được triển khai từ đầu tháng 5-2012, với tổng kinh phí trên 120 triệu đồng (ngân sách sự nghiệp KHCN hỗ trợ trên 95 triệu đồng, vốn đối ứng của nông hộ 26 triệu đồng). Đây là kết quả chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng gừng trong bao cho hiệu quả kinh tế cao của Trung tâm Khuyến nông- Khuyến ngư tỉnh An Giang.

Bao dùng trong mô hình là bao xi măng, rất dễ kiếm, lại tiết kiệm. Trồng gừng trong bao có thể tranh thủ mọi không gian như dưới tán cây, lối đi,… để đặt bao, tiết kiệm diện tích mặt đất, đặc biệt phù hợp để trồng xen canh với vườn cây ăn trái, vùng đất cằn cỗi không sản xuất. Thông thường, với mỗi mét vuông đất có thể đặt được 9 bao. Chi phí đầu tư ban đầu cho mỗi bao gừng chỉ từ 4.000-5.000 đồng. Nhận trồng 3.000 bao gừng theo mô hình, ông Đặng Thành, thôn Kiền Kiền 2, xã Lợi Hải cho biết: Ưu điểm lớn nhất của mô hình này là việc chủ động, ngăn ngừa lây lan khi có bệnh trên cây gừng. Vì trồng trong những bao riêng rẽ nên khi có cây bệnh, việc cách ly trở nên dễ dàng, có thể kiểm tra nguyên nhân, xác định loại bệnh để có hướng phòng ngừa chung cho những cây còn lại.

Trong quá trình triển khai mô hình, cán bộ kỹ thuật hướng dẫn cách chăm sóc cho từng giai đoạn phát triển của cây, đặc biệt là cách phòng, trừ sâu bệnh. Vì là cây trồng lấy củ nên sau mỗi đợt mưa kéo dài phải phun thuốc phòng ngừa bệnh thối củ, thối rễ cho gừng. Bên cạnh đó, việc bảo vệ cây gừng khỏi sự phá hoại của các loại gia súc, gia cầm cũng cần được chú ý.

Theo ông Nguyễn Châu Cảnh, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thuận Bắc, hiệu quả từ mô hình này khá cao. Tuy nhiên, đây là mô hình mới, lại lần đầu tiên triển khai trồng nên chúng tôi sẽ đề nghị tiếp tục thực hiện thí điểm rút kinh nghiệm một vụ nữa để hoàn thiện toàn bộ quy trình chăm sóc, giúp cho năng suất đạt cao hơn.

Khó khăn lớn nhất của mô hình là việc giải quyết đầu ra cho sản phẩm. Ông Đặng Thành không khỏi bâng khuâng: Giữa tháng 12, tôi đã cho thu hoạch gừng với năng suất khá cao, bình quân 1,5 kg/bao, nếu trồng theo cách thông thường chỉ đạt chừng dưới 1 kg/gốc. Tuy nhiên, vì trên địa bàn chưa có đơn vị doanh nghiệp nào thu mua nên tôi phải tự tìm kiếm mối và bán cho một tư thương ở Khánh Hòa với giá chỉ trên 10.000 đồng/kg.Thành ra, năng suất đạt nhưng giá vẫn còn tương đối thấp so với giá thị trường.

Do vậy, việc hoàn thiện quy trình sản xuất và giải quyết đầu ra cho sản phẩm cần được quan tâm giải quyết để nông dân an tâm và nhân rộng mô hình để đạt mục tiêu đề ra, mạnh dạn thực hiện.