Ngành nông nghiệp: Hướng đến chất lượng phát triển

(NTO) Nông dân và Doanh nghiệp, mối liên kết ngày thêm bền chặt

Dưới góc nhìn tổng quan, không quá lời khi khẳng định rằng, năm 2012 ngành nông nghiệp lại thêm “một mùa bội thu”. Có thể minh chứng điều này qua hàng loạt con số “biết nói”: Tổng giá trị sản xuất toàn ngành đạt 2.839 tỷ đồng; tổng diện tích gieo trồng cả năm đạt trên 82.000 ha, tăng 4,8%; sản lượng lương thực đạt xấp xỉ 300.000 tấn. Trong đó, sản lượng lúa đã vượt lên mức 233.770 tấn, đạt 117,9% so với kế hoạch và tăng 7,8% so với năm 2011.

Nông dân xã Phước Thuận (Ninh Phước) phát triển diện tích trồng nho chất lượng cao .
Ảnh: Duy Anh

Đồng chí Nguyễn Đức Thu, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) cho biết: “Điều đáng mừng trong sản xuất nông nghiệp tỉnh nhà những năm gần đây đó là cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn đang chuyển dịch khá nhanh và mối liên kết “4 nhà” đang ngày càng thể hiện rõ nét. Trong mối liên kết đó có hai nhà: Nhà nông và nhà doanh nghiệp luôn được củng cố, xích lại gần hơn để hỗ trợ, chia sẻ cho nhau để cùng phát triển ngày thêm bền chặt”. Bằng chứng rõ ràng nhất đó là vài năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp đã có chính sách liên kết đầu tư trong việc sản xuất giống và hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho nông dân. Chỉ tính riêng trong năm 2012, các đơn vị như: Công ty Cổ phần Hòa Việt, Công ty Cổ phần Mía đường Phan Rang, Công ty Cổ phần Giống cây trồng Nha Hố, Trung tâm Thực nghiệm và Sản xuất Giống Nha Hố,... đã liên kết sản xuất trên 1.820 ha lúa giống, bắp giống và bao tiêu trên 1.000 tấn thuốc lá, trên 138.200 tấn mía cây và khoảng 50.000 tấn mì tươi...

Nằm trong mối liên kết “4 nhà”, những năm gần đây, được sự hỗ trợ của Trung ương và ngành Nông nghiệp, nhiều vùng nông thôn trong tỉnh đã hình thành những mô hình sản xuất có hiệu quả như: Mô hình luân canh cây trồng trên đất ruộng chủ động nước; mô hình luân canh cây trồng trên đất trồng cạn với các loại cây trồng có năng suất, chất lượng cao như: nho, táo, tỏi; mô hình “1 phải, 5 giảm” trong thâm canh cây lúa; mô hình Hợp tác xã nông nghiệp để cơ giới hóa các khâu thu hoạch, làm đồng, giải phóng sức lao động cho nông dân. Cùng với đó, được sự hỗ trợ của các dự án: Cạnh tranh nông nghiệp, Khoa học công nghệ nông nghiệp, việc sản xuất các loại giống trong nông nghiệp ở tỉnh ta không chỉ mở rộng thêm diện tích mà còn xây dựng được thương hiệu bài bản. Năng suất, chất lượng các loại cây trồng từ đó cũng tăng đáng kể. Cụ thể như đối với cây lúa, năm 2010 năng suất bình quân chỉ đạt 54 tạ/ha thì đến năm 2012 đạt gần 60 tạ/ha. Các loại cây như nho, đến cuối năm 2012 toàn tỉnh có 721 ha, sản lượng thu hoạch đạt 14.700 tấn, tăng 3,8%; cây táo 1.056 ha, sản lượng thu hoạch đạt 27.500 tấn, tăng 43,5% so với năm 2011.

Từ thực tế trên cho thấy, việc các doanh nghiệp liên kết với nông dân để sản xuất giống cây trồng và bao tiêu sản phẩm không chỉ góp phần làm tăng lợi nhuận cho người nông dân, mà đây còn tạo cơ sở cho sự phát triển của ngành Nông nghiệp trong thời gian tới. Bởi các đơn vị này không chỉ đóng vai trò là nhà doanh nghiệp mà còn có vai trò là nhà khoa học trong việc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp cho nông dân.

Hướng đến nền nông nghiệp chất lượng cao

Tỉnh ta có tổng diện tích tự nhiên 3.360 km2, trong đó đất lâm nghiệp chiếm phần lớn với trên 186.000 ha, còn đất sản xuất nông nghiệp chỉ chiếm gần 70.000 ha. Tuy diện tích sản xuất không lớn, nhưng tỉnh ta lại có các vùng khí hậu đa dạng hình thành nên 3 tiểu vùng kinh tế rõ rệt, gồm: vùng biển, vùng đồng bằng và miền núi gắn với các tiềm năng, lợi thế trên nhiều lĩnh vực. Dựa trên trên đặc điểm này, trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, tỉnh ta đã xác định đưa nhóm ngành nông - lâm - thủy sản vào vị trí ưu tiên thứ ba để đầu tư phát triển, với mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, có năng suất và chất lượng cao. Phấn đấu đến năm 2020 nhóm ngành này đóng góp khoảng 20% GDP và giải quyết 29% lao động của toàn tỉnh. Giữ vững nhịp độ tăng trưởng bình quân từ 7-8%/năm. Nâng giá trị sản xuất nông nghiệp đến năm 2015 đạt từ 55-60 triệu đồng/ha và đến năm 2020 đạt 65 - 70 triệu đồng/ha. Ổn định diện tích trồng lúa từ 17 -18 ngàn ha, sản lượng lúa đạt từ 200 - 220 ngàn tấn/năm. Chuyển dịch cơ cấu sản xuất nội bộ ngành theo hướng đưa chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính trong nông nghiệp với tỷ trọng đạt từ 43 – 45% vào năm 2015.

Nông dân đưa thiết bị cơ giới vào đồng ruộng góp phần nâng cao chất lượng nông sản hàng hóa.
Ảnh: Sơn Ngọc

Để thực hiện đạt mục tiêu nói trên, trước mắt trong năm 2013, ngoài việc tập trung mở rộng qui mô sản xuất ở vùng chủ động tưới và các công trình hồ chứa, hệ thống kênh mương đã đầu tư hoàn thành để đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhằm nâng cao năng suất và hiệu quả sản xuất trên cùng một đơn vị canh tác, ngành NN&PTNT còn tập trung triển khai chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới tại 47 xã, đề án đào tạo nghề cho nông dân. Bên cạnh đó, ngành sẽ triển khai rà soát, điều chỉnh và xây mới các quy hoạch, phát triển ngành, trong đó tập trung xây dựng và nhân rộng các chương trình về chuyển giao khoa học- kỹ thuật với trọng tâm là chuyển giao các giống mới, kỹ thuật canh tác mới đối với các cây, con chủ lực của tỉnh như sản xuất nho, táo, tỏi... theo hướng liên kết nông dân thành các tổ hợp tác, hợp tác xã để liên kết với các doanh nghiệp ưu tiên tạo "đầu ra" cho các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh của địa phương.

Về dài hạn, ngành sẽ quy hoạch phát triển cây nho lên khoảng 2.200 ha để gắn với công nghiệp chế biến vang nho, nhằm nâng tỷ trọng cây nho chiếm từ 20-25% giá trị của ngành trồng trọt. Cùng với đó, sẽ hình thành vùng sản xuất chuyên canh cây công nghiệp quy mô lớn, với khoảng 5.000 ha mía, 2.500 ha mì, 2.500 ha cây thuốc lá và tiếp tục phát triển, mở rộng diện tích cây cao su ở những vùng đất thích nghi, đất rừng nghèo kiệt để nâng cao hiệu quả đất đai ở 2 huyện Bác Ái, Ninh Sơn. Ở lĩnh vực đầu tư hạ tầng phục vụ nông nghiệp, nông thôn, ngoài việc phát triển hệ thống thuỷ lợi, giao thông nông thôn, công trình nước sạch, ngành còn có chính sách hỗ trợ về cơ giới hoá nông nghiệp, tạo điều kiện cho nông dân trang bị máy móc trong sản xuất, chế biến và bảo quản nông sản. Có chính sách, kêu gọi và khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến nông sản trên các khu công nghiệp, các dự án chăn nuôi và chế biến sản phẩm chăn nuôi... nhằm tạo bước đột phá trong việc chuyển đổi tiềm năng thành cơ hội mới, hướng đến xây dựng tỉnh ta trở thành một tỉnh có nền sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, phát triển toàn diện.