Ảnh minh họa
Tết Nguyên đán và các Lễ hội mùa xuân sau Tết Nguyên đán là dịp nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tăng cao, do đó các hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm gia tăng để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Bên cạnh đó, các dịch vụ ăn, uống phục vụ nhu cầu của thực khách tại các khu lễ hội thường là hoạt động kinh doanh thời vụ, có nơi phát triển tự phát nên khó tránh khỏi các vấn đề không bảo đảm an toàn thực phẩm.
“Tháng cao điểm về an toàn thực phẩm Tết năm 2013” được triển khai nhằm huy động toàn thể nhân dân, các cấp chính quyền, các cơ quan quản lý, các tổ chức chính trị, xã hội tham gia vào việc phổ biến tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm nhằm nâng cao kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng trong việc chọn mua, chế biến thực phẩm an toàn; nâng cao vai trò, trách nhiệm của Ủy ban Nhân dân các cấp, trách nhiệm của các doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm và đảm bảo bữa ăn an toàn cho mọi người.
Đồng thời, tăng cường công tác thanh kiểm tra đối với các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, đặc biệt tập trung kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh các sản phẩm cung cấp cho thị trường Tết như thịt, cá, rượu, bia nước giải khát, rau xanh, các cơ sở cung cấp xuất ăn, dịch vụ ăn uống, kiểm soát gia cầm nhập lậu nhằm hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm; nâng cao vai trò giám sát của các cơ quan quản lý, các tổ chức chính trị xã hội và người tiêu dùng trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm đảm bảo cho người dân đón Tết, lễ hội khoẻ mạnh, an toàn.
Siết chặt vệ sinh an toàn thực phẩm trong dịp Tết
Theo ghi nhận trong 5 năm gần đây, cả nước có 927 vụ ngộ độc thực phẩm với 30.733 người bị ngộ độc, trong đó 229 người chết. Trung bình mỗi năm xảy ra 185 vụ với 6.147 người bị ngộ độc và 46 người chết. Đây là con số đã được đưa ra bởi Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm trong một cuộc hội thảo liên quan đến vấn đề này. Còn tính riêng 11 tháng của năm 2012, có tới 164 vụ ngộ độc và 33 người tử vong do ngộ độc thực phẩm, so với năm 2011 tăng cả về số vụ, số người mắc, số tử vong. Có lẽ, không cần phải bình luận gì nhiều vì chính những con số này đã nói lên những nhức nhối trong vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm hiện nay ở nước ta.
Thực tế cho thấy, nhiều người dân hiện rất sợ với những món ăn vốn không thể thiếu với bữa ăn hàng ngày như thịt lợn, thịt gà, rau muống… Bởi, động đến thịt lợn là họ nghe nói về "lợn tăng trọng”, động đến gà là nghe về "gà thải”, "gà nhập lậu”, nói đến rau là lại nghe thấy rau không an toàn khi chứa nhiều hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật…
Trước thực trạng này, dịp cuối năm, cận Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013, người ta đang chứng kiến hàng loạt sự vào cuộc ráo riết của các cơ quan chức năng, các nhà quản lý với mục đích đảm bảo cho bữa ăn của người dân được an toàn, đặc biệt là trong dịp Tết.
Cụ thể, Bộ Y tế thành lập 8 đoàn thanh tra liên ngành do Bộ Y tế chủ trì sẽ thanh tra, kiểm tra vấn đề ATVSTP tại 24 tỉnh, thành trên toàn quốc. Theo đó, từ ngày 10/1/ 2013 đến ngày 15/2/2013, các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành Trung ương sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra tại các tỉnh, thành phố trọng điểm bao gồm: Lạng Sơn, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Gia Lai, Kon Tum, Đắc Lắc, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, TP. Hồ Chí Minh, Long An, Tiền Giang, Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp. Đối tượng thanh, kiểm tra là tất cả các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, tập trung vào những cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán như thịt, sản phẩm từ thịt, bia, rượu, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo... các cơ sở dịch vụ ăn uống.
Nguồn VnMedia.vn