Trị ung thư bằng “liệu pháp Ngựa thành Troy”

Những người bị ung thư tuyến tiền liệt có thể lạc quan vì sắp có cách trị ung thư tận gốc. Đó là “liệu pháp Ngựa thành Troy” mà các nhà khoa học Anh thực hiện trong phòng thí nghiệm trên chuột.

 
 Ảnh minh họa: Internet

Kết quả thật bất ngờ, các chú chuột không những sống sót mà khối u ác tính tấn công tuyến tiền liệt cũng biến mất.

Mặc dù kỹ thuật này đang ở giai đoạn sơ khai, thành công mang tính đột phá nói trên đem lại hy vọng tràn trề cho những người bị ung thư tuyến tiền liệt trong tương lai.

Một nghiên cứu vừa đăng trên chuyên san về ung thư Journal Cancer Research cho biết các nhà khoa học trường đại học Sheffield, xứ Nam Yorshire, Anh quốc, vừa hoàn tất cuộc thử nghiệm trên chuột kỹ thuật ém virut HIV đã bị vô hiệu hóa vào hệ miễn dịch với số lượng lớn để chúng bất ngờ tấn công và tiêu diệt tế bào ung thư tuyến tiền liệt. Do kỹ thuật này giống chiến thuật ém quân theo kiểu “Ngựa thành Troy” thời Hy Lạp cổ đại cho nên các chuyên gia gọi kỹ thuật này là “liệu pháp Ngựa thành Troy”.

Kỹ thuật dùng virut để trị ung thư là một liệu pháp từng được thử nghiệm trước đây, nhưng chưa thành công lắm. Vấn đề nằm ở chỗ làm thế nào đưa con virut bị vô hiệu hóa với số lượng lớn vào tận bên trong tế bào ung thư để hủy diệt nó.

Trong cuộc thử nghiệm nói trên, nhóm nghiên cứu của bà Emma Smith vẫn dùng hóa trị hoặc xạ trị làm tổn thương các mô tuyến tiền liệt. Hệ miễn dịch lập tức sản sinh ra bạch cầu theo phản ứng tự nhiên để hàn gắn vết thương. Nhóm bạch cầu này có tên gọi là đại thực bào sau khi trích ra từ máu và trộn lẫn với một số lượng hạn chế virut HIV được tiêm trở vào cơ thể chuột sau hai ngày điều trị bằng hóa trị hoặc xạ trị.

Các “chiến binh” virut HIV ẩn mình trong đại thực bào một khi xâm nhập tận bên trong tế bào ung thư tiếp tục sinh sôi nẩy nở thành 12.000 con virut trong vòng 12 tiếng. Lúc đó, chúng đủ sức tiêu diệt tế bào ung thư.

Sau 40 ngày thử nghiệm, 100% con chuột bị ung thư tuyến tiền liệt được chữa trị bằng “liệu pháp Ngựa thành Troy” đều còn sống và không có dấu hiệu tái phát bệnh. Nhóm đối chứng chỉ được xạ trị hoặc hóa trị đều chết vì ung thư di căn.

Giáo sư Claire Lewis thuộc trường đại học Sheffield giải thích: “Khối u đã bị hoàn toàn tiêu diệt và không thể tái sinh”. Bà Claire cho biết, cuộc thử nghiệm trên người sẽ được tiến hành trong năm 2013. Nhưng bà lạc quan một cách dè dặt vì, theo bà, có nhiều cuộc thử nghiệm thành công ở chuột nhưng thất bại khi thử nghiệm trên người.

Nguồn Phunu online