Phòng, chống tai nạn thương tích và sơ cấp cứu ban đầu

(NTO) Phòng, chống tai nạn

Đuối nước:

Những năm gần đây, số người - nhất là trẻ em bị đuối nước khá cao, vì vậy gia đình và nhà trường cần hướng dẫn trẻ em:

- Không lại gần hoặc lội xuống ao, hồ, hố nước;

- Không tắm sông, suối, tắm biển khi không có người lớn đi kèm. Khi đi bơi (tắm) nên có người lớn giám sát và mặc áo phao;

- Không bơi quá xa vì mỏi cơ (bắp thịt) dễ có nguy cơ co rút chuột (cơ);

- Không nên khuyến khích trẻ em đi câu cá, bắt cá;

- Có điều kiện, nhà trường, Đoàn thanh niên nên tổ chức tập bơi cho trẻ em.

Điện giật:

- Không dùng tay sờ, nắm bất cứ dây dẫn (điện) nào vì có thể dây bị nứt, hở gây điện giật; không leo trèo lên trụ điện, thả diều gần đường dây điện;

- Không tự ý cắm bất cứ vật gì vào ổ điện;

- Không được dùng giấy thiết bọc trong bao thuốc lá, dây đồng thay cho dây chì trong cầu chì điện, cầu giao điện dễ dẫn đến quá tải gây nổ cháy;

- Không được tự ý tháo bỏ các nắp chắn bảo vệ của các thiết bị điện hoặc chọc phá vào thiết bị điện;

- Không để ổ cắm điện dưới thấp phòng trẻ em nghịch, hoặc dưới đất phòng người khác dễ giẩm phải.

Té ngã:

- Không nên leo trèo lên cây, lên nóc nhà, lên vật cao; không đùa giỡn khi đứng trên cao; có rào bảo vệ quanh gốc cây; không trồng cây có trái ăn được ở nhà trường hoặc nơi công cộng.

Sơ cấp cứu ban đầu

Bóp tim ngoài lồng ngực – Hà hơi thổi ngạt:

- Thực hiện khi nạn nhân bị ngừng tim ngừng thở, thường gặp trong đuối nước, điện giật, tai nạn giao thông, tai nạn lao động… là thủ thuật rất cần biết để ai cũng có thể sơ cứu nạn nhân qua cơn nguy cấp trước khi được nhân viên y tế đến kịp, có thể cứu sống được nhiều người, nhất là tai nạn giao thông xảy ra ở nơi vắng người.

- Đưa nạn nhân ra khỏi vùng nguy hiểm và chú ý giữ ấm cho nạn nhân; đặt nạn nhân nằm trên mặt phẳng cứng (sàn nhà, mặt ván, giường); hô to lên để có người tới giúp;

- Người hà hơi đứng (hoặc quỳ) một bên: ngữa cổ nạn nhân tối đa, kiểm tra trong miệng có dị vật, răng giả thì lấy ra sạch; một tay bóp chặt 2 cánh mũi (không cho không khí thoát ra), một tay kéo cằm nạn nhân xuống để miệng há ra, dùng miệng mình thổi vào miệng nạn nhân, nhìn thấy lồng ngực nạn nhân phình lên là được; thổi một hơi nghỉ chờ người bóp tim 4 lần rồi thổi tiếp, thổi khoảng 15 lần/ phút.

- Người bóp tim ở bên đối diện, dùng 2 bàn tay chồng lên nhau đặt ở 1/3 dưới mõm xương ức nạn nhân, cánh tay thật thẳng và vuông góc với bàn tay, ấn nhanh, vừa mức xương ức lõm xuống 3 - 4 cm là vừa, nhổm tay để lồng ngực đàn hồi lại, ấn tiếp… 4 lần thì ngưng chờ người thổi ngạt thổi một hơi, lại tiếp tục ấn ngực, khoảng 60 lần/ phút.

- Làm cho đến khi nạn nhân thở được, rồi đưa ngay đến cơ sở y tế; thời gian cấp cứu có thể kéo dài khoảng 60 phút.

Vết thương phần mềm:

- Dùng tay bóp chặt miệng vết thương để ngăn máu chảy; Dùng bông, vải sạch đặt ép lên vết thương, dùng băng vải băng hơi chặt rồi đưa nhanh nạn nhân đến cơ sở y tế;

- Tuyệt đối không được bôi, rắc bất kỳ vật gì, thuốc gì vào vết thương vì chỉ làm bội nhiễm vi khuẩn và sẽ nguy hiểm vô cùng nếu nạn nhân dị ứng với thuốc đó, có thể gây “sốc thuốc”.

Gãy xương:

- Sau khi nạn nhân bị té ngã, phần chi bên dưới nơi bị tổn thương không cử động được hoặc sưng rất nhanh là có nguy cơ bị gãy xương. Hãy tìm thanh nẹp (tre, gỗ, giấy cứng cuộn lại) hoặc bất cứ vật gì thẳng đặt vào 2 bên xương gãy ở tay hoặc 3 bên xương gãy ở đùi, dùng dây bó chặt cố định để đầu xương gãy không di chuyển gây đau và biến chứng. Không được đắp thuốc nam, xoa bóp dầu nóng hoặc tự ý kéo nắn mà đưa nhanh đến cơ sở y tế để được điều trị đúng chuyên khoa, tránh thương tật về sau. Không nên di chuyển nạn nhân khi chưa cố định xương gãy vì nạn nhân có thể sốc vì đau đớn rất nguy hiểm.

Bỏng:

- Đưa nạn nhân ra khỏi vùng nguy hiểm, cắt bỏ phần áo, quần vùng bị bỏng để giảm nhiệt;

- Nếu vùng bỏng nhỏ thì ngâm trọn vùng bỏng vào trong nước mát; nếu vùng bỏng rộng thì dùng khăn, vải sạch nhúng ướt nước đắp lên vùng bỏng, 5 - 7 phút thay vải ướt khác cho đến khi nạn nhân bớt nóng rát.

- Chú ý giữ ấm cho nạn nhân và cho uống thêm ít nước đường ấm; khi nạn nhân bớt đau, dùng vải sạch phủ lên vết bỏng rồi đưa ngay đến cơ sở y tế điều trị;

- Tuyệt đối không làm vỡ phỏng nước; không bôi kem đánh răng, mỡ trăn, xà phòng, lòng trắng trứng, nước giấm, nước mắm, bột thuốc… vì chỉ làm nhiễm trùng vết bỏng và có thể gây ngộ độc nạn nhân vì vết bỏng rộng mất đi lớp da bảo vệ sẽ hấp thu những chất lạ vào cơ thể rất nguy hiểm.

Muốn thực hiện cấp cứu đúng, an toàn, hiệu quả, địa phương (y tế, Hội chữ thập đỏ), nhà trường nên tổ chức tập huấn nhiều lần bằng thực hành như thật giữa các học viên, học sinh với nhau cho thuần thục.