Kết quả, đội New Zealand đã xuất sắc dành giải vô địch với bộ phim “Forever Emily” (tạm dịch “Mãi mãi là Emily”). Phim kể về mmột cô bé tuổi teen cố gắng vượt qua nỗi buồn vì mất người bạn thân nhất. Cô bé đã tìm thấy hy vọng thông qua trải nghiệm “giao tiếp với người đã khuất” bằng cách hàng ngày viết lên những suy nghĩ, tình cảm của mình để gửi cho người bạn đã mất. Bộ phim này do em Daisy Thor-Poet (14 tuổi), Ming Thor-Poet (12 tuổi) và Katherine Millis (15 tuổi) thực hiện cũng đã giành thêm giải Kỹ thuật quay xuất sắc nhất.
Đội làm phim New Zealand đã xuất sắc dành giải vô địch.
Đội Việt Nam đoạt giải “Kịch bản xuất sắc nhất” với bộ phim “Tin nhắn mới” (do các em học sinh trường Amtesdam Hà Nội thực hiện), nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giao tiếp bằng lời nói trong xã hội. Bộ phim miêu tả một cách sinh động những hậu quả trong tương lai của việc phụ thuộc hoàn toàn vào tin nhắn và né tránh giao tiếp trực tiếp. Bộ phim phản ánh đậm nét những nguy cơ của thời đại số hóa và di động ngày nay.
Đội Việt Nam đoạt giải Kịch bản xuất sắc nhất.
Ngoài ra, 5 đội làm phim khác đến từ Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan cũng đã giành các giải phụ cho bộ phim của mình. Trong đó, đội Malaysia với giải “Ý tưởng sáng tạo”, đội Singapore với giải “Biên tập xuất sắc nhất”, đội Thái Lan với giải “Phim mang tính chất thời sự nhất”, đội Indonesia với giải “Phim mang tính cổ động cao nhất” và đội Ấn Độ với giải “Phim thông điệp về môi trường hay nhất”.
Ban giám khảo của cuộc thi năm nay gồm có đạo diễn Phan Đăng Di – nhà làm phim độc lập đã giành nhiều giải thưởng quốc tế, đại diện kênh VTV6, kênh truyền hình cho thanh thiếu niên Việt Nam; Ông Vincent Poh, nhà làm phim độc lập đến từ Singapore; Ông Jackie Tan, nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp người Singapore.
Các phim dự thi được đánh giá trên hai tiêu chí lớn – khả năng thể hiện và kỹ thuật. Điểm cho khả năng thể hiện bao gồm ý tưởng, kịch bản và chất lượng chung của phim dự thi, trong khi các yếu tố về kỹ thuật quay, âm thanh và biên tập được tính cho điểm kỹ thuật.
Chương trình “Qua ống kính trẻ thơ” là chương trình đào tạo làm phim thực tế được Panasonic khởi xướng lần đầu tiên tại Mỹ năm 1989 và sau đó cuộc thi khu vực và toàn cầu được tiến hành từ năm 2004. Năm nay, các em học sinh tiểu học và trung học cơ sở được thử thách sức sáng tạo và kỹ năng giao tiếp thông qua sản xuất những đoạn phim ngắn với hai chủ đề chính là “giao tiếp” và “môi trường”. Panasonic đã hỗ trợ các em thông qua cung cấp những thiết bị quay phim chuyên nghiệp và những khóa học thực tế với thiết bị. Cuộc thi năm nay đã thu hút hơn 1.900 kịch bản dự thi trong khu vực và bảy phim ngắn xuất sắc nhất đã được lựa chọn để đại diện cho mỗi quốc gia tham gia vào giải khu vực.
Bảy phim được trao giải:
1. Đội phim Ấn Độ, tên phim: “Wake up call”, chủ đề môi trường. Bộ phim nói về hệ quả của hiện tượng nóng lên toàn cầu đã ảnh hưởng tới thế giới của các loài động vật – những nạn nhân đang phải âm thầm chịu đựng. Một gia đình chim đã bị mất nhà khi cái cây của chúng bị chặt hạ bởi con người, từ đó chúng phải bay đi tìm tổ mới và gặp những loài động vật khác có cùng cảnh ngộ. Bộ phim đã khiến chúng ta phải suy nghĩ về vai trò quan trọng của con người trong việc bảo tồn sự bền vững của môi trường và thế giới.
2. Đội phim Indonesia, tên phim “Paragames Athletes Speak of Their Nationalism”, chủ đề giao tiếp. Nội dung bộ phim nói về những khuyết tật không thể ngăn cản những vận động viên Paralympics thể hiện sự quả cảm và tinh thần dân tộc. Với thái độ lạc quan, họ đã dạy chúng ta về giá trị của sự kiên trì, bền bỉ và những thành công nó có thể mang lại. Với những người bạn luôn ở bên cạnh hỗ trợ, gần như không có gì là không thể đối với họ.
3. Đội phim Malaysia, tên phim “Paper Chase”, chủ đề giao tiếp. Bộ phim kể về Ammar - một cậu bé lang thang phải tự mưu sinh, đã tìm nhiều cách để thu nhặt từng mảnh báo mới để đọc. Cậu thường giành cả ngày tìm kiếm, nhặt nhạnh những tờ báo bỏ đi và giữ lại như tài liệu tham khảo của riêng mình. Cậu tìm kiếm qua những con hẻm nhỏ sau những tòa nhà lớn, trong thùng rác hay bất kỳ nơi nào có thể. Liệu cậu có thể hiện thực hóa giấc mơ và khát vọng của mình không ?.
4. Đội phim New Zealand, tên phim “Forever Emily”, chủ đề giao tiếp. Tóm tắt phim: Một cô bé vị thành niên chìm trong đau khổ sau sự ra đi của người bạn thân nhất. Làm sao cô có thể vượt qua nỗi đau to lớn khi mất một người cô yêu quý nhất ? Qua một trải nghiệm “giao tiếp với người đã khuất”, cô đã tìm thấy hi vọng. Bằng những trang viết, cô đã giãi bày được những cảm xúc và tìm được sự thanh thản và hạnh phúc trong tâm hồn. Phim với những thước quay rất nghệ thuật.
5. Đội phim Singapore, tên phim “Loss In Translation”, chủ đề giao tiếp. Tóm tắt phim: Từ khi sinh ra, con người đã muốn giao tiếp với người khác. Bạn sẽ cảm thế nào nếu không có một cơ hội để giao tiếp ? Afiq, một sinh viên cao đẳng 19 tuổi, chia sẻ về việc bị mọi người coi là “lập dị” do những đam mê của mình, từ khi còn là học sinh cấp hai. Khi nhận thức sai lệnh thành hình, họ hiểu lầm và phân biệt đối xử với cậu, và không bao giờ tìm hiểu sự thật về Afiq.
6. Đội phim Thái Lan, tên phim “STATUS”, chủ đề môi trường. Tóm tắt phim: Một cô bé lớn lên trong một gia đình ấm áp với vòng tay yêu thương của cha mẹ. Cô được bạn bè và những người xung quanh yêu mến. Vào ngày sinh nhật thứ 18, cô bé nhật được một món quà, món quà đã thay đổi cuộc sống của cô mãi mãi. Cô đã giành nhiều thời gian trên mạng xã hội, cập nhật trạng thái thường xuyên về những gì cô thấy và nơi cô đến. Cô không biết rằng một mối nguy hiểm đang rình rập trên đường mình đi.
7. Đội phim Việt Nam, tên phim “Một tin nhắn mới”, chủ đề giao tiếp. Tóm tắt phim: Chúng ta thường xuyên thấy mọi người sử dụng thiết bị di động và những công cụ giao tiếp trực tuyến. Nhưng chúng có thể giúp gì với những giao tiếp cá nhân giữa người với người? Bộ phim nhấn mạnh tới tầm quan trọng của quan hệ trục tiếp giữa con người, những giá trị không thể được tạo ra bằng những thiết bị vô cảm, hậu quả là sự giao tiếp bị chấm dứt ngay khi những thiết bị điện tử ngừng hoạt động.
Nguồn Báo SGGP Online