Đôi điều suy nghĩ từ viết " Sáng kiến kinh nghiệm" của cô giáo nuôi dạy trẻ

(NTO)  1. Tình cờ tôi gặp cô giáo mần non nơi con tôi học cách đây trên 20 năm, giờ cô đã là Hiệu trưởng trường mần non điển hình của huyện. Sau một vài câu chuyện xã giao hỏi thăm tình hình sức khoẻ, gia đình, sự nghiệp, tôi hỏi cô: Trường mình chắc đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động? Cô không đi thẳng vào câu hỏi của tôi mà nói: Trường em năm học vừa qua không đạt Tập thể Lao động xuất sắc. Tôi hơi ngạc nhiên vì trường Mầm non do cô làm hiệu trưởng là trường được chọn xây dựng điển hình tiên tiến của huyện. Hỏi thêm, tôi được biết lý do vì trường không có cô nuôi dạy trẻ viết “Sáng kiến kinh nghiệm” để xét chiến sĩ thi đua cơ sở, mặc dù các chỉ tiêu được giao Trường đều dẫn đầu bậc học mầm non của huyện.

Giáo viên Trường Mẫu giáo Bắc Phong (Thuận Bắc) chăm lo nuôi dạy trẻ. Ảnh: Sơn Ngọc

2. Tò mò, tôi tìm gặp cô hiệu trưởng trường mầm non của thành phố Phan Rang-Tháp Chàm vừa được tặng danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc năm học 2011 - 2012 để hỏi: Trường mình năm học qua có mấy cô giáo đạt Chiến sĩ thi đua cơ sở? Cô vui vẻ cho biết: Có 02 cô giáo nuôi dạy trẻ. Tôi hỏi tiềp: Theo tôi biết cô nuôi dạy trẻ có mặt tại trường từ 6 giờ 30 sáng và ra về khi các cháu nhỏ đã được gia đình đón về, có thể là 17 giờ, hoặc 18 giờ, cá biệt sau 18 giờ vậy thời gian đâu cô viết sáng kiến kinh nghiệm? Sau một vài giây suy tư, cô hiệu trưởng cho biết: Các cô viết vào giờ các cháu ngủ trưa (à, cô tập trung viết sáng kiến không theo dõi các cháu nếu xảy ra mất an toàn với các cháu thì sao đây? trẻ em vốn hiếu động mà!). Tôi hỏi tiếp: Cô nghĩ gì về viết sáng kiến kinh nghiệm? Cô cho biết: Qui định của ngành thì phải viết, trước đây viết sáng kiến kinh nghiệm chỉ có 07 trang, bây giờ phải từ 10 trang trở lên; Nhưng có một nghịch lý là cô nuôi dạy trẻ tốt thường không chịu viết “Sáng kiến kinh nghiệm” còn cô viết sáng kiến kinh nghiệm thì …!

3. Thật may, gần nhà tôi có cô giáo nuôi dạy trẻ, chỗ thân tình tôi hỏi: Điều lo lắng nhất của cô trong một ngày nuôi dạy trẻ ở trường là gì? Thật bất ngờ khi tôi nghe cô nói: Cuối ngày các cháu không có ốm đau, không bị xây sát do các cháu xô đẩy, cào cấu lẫn nhau…cha mẹ đón cháu về vui vẻ, mới thấy lòng mình nhẹ nhõm. Vâng “Lòng nhẹ nhõm” nhưng có lẽ áp lực công việc từ lúc nhận trẻ cho đến cuối ngày trả cháu cho cha mẹ thật không nhẹ chút nào. Cứ suy từ việc cha mẹ, ông bà, anh chị trong ngày nghỉ chăm chút cho con, cháu mình, giữ cho các cháu nhỏ an toàn, mất thời gian và vất vả như thế nào mới hiểu được nỗi vất vả hàng ngày của cô giáo nuôi dạy trẻ mỗi lớp chăm nuôi, dạy dỗ từ 20 - 30 cháu.

4. Đưa việc cô nuôi dạy trẻ muốn đạt chiến sĩ thi đua cơ sở trong năm học phải viết sáng kiến kinh nghiệm phàn nàn với anh bạn thân làm công tác quản lý ngành giáo dục và đào tạo, anh cho biết: Đây là qui định biết làm sao được. Thôi thì cứ hỏi đầu gối mình trước đã!?

5. Vẫn biết rằng Chiến sĩ thi đua thì phải có sáng kiến nhưng có nhất thiết cô nuôi dạy trẻ phải viết “Sáng kiến kinh nghiệm” để được công nhận Chiến sĩ thi đua cơ sở hay không? Nhà nước khen là khen những cá nhân có những đóng góp xuất sắc cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Như vậy thành tích của cá nhân là căn cứ quan trọng nhất để xét khen thưởng, sáng kiến của mỗi cá nhân xét cho cùng là những giải pháp đúng mà họ sáng tạo ra từ thực tế công việc của mình. Mặt khác nếu làm hết trách nhiệm với năng suất và hiệu quả công tác cao như cô nuôi dạy trẻ thì lấy đâu thởi gian để viết “Sáng kiến kinh nghiệm”, bởi hết giờ làm việc cô giáo còn biết bao nỗi lo toan cho gia đình mình như nuôi dạy con cái, chăm lo bữa ăn cho gia đình…trong khi đồng lương giáo viên nuôi dạy trẻ ít ỏi. Từ thực tế trên, thiết nghĩ ngành giáo dục-đào tạo nên xem xét lại việc qui định viết “Sáng kiến kinh nghiệm” trong công tác thi đua, khen thưởng đối với cô giáo nuôi dạy trẻ, sao cho thiết thực và động viên cô giáo mầm non cống hiến nhiều hơn cho sự nghiệp chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ thơ.