Xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”

(NTO) Phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” (THTT-HSTC) được ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phát động từ năm học 2008-2009. Qua 4 năm triển khai thực hiện, phong trào đã đem lại những hiệu quả bước đầu rõ rệt, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Phong trào “Xây dựng THTT-HSTC” gồm 5 nội dung: Xây dựng trường lớp xanh, sạch, đẹp, an toàn, thu hút học sinh đến trường; dạy học có hiệu quả, phù hợp với đặc điểm lứa tuổi của học sinh, giúp các em tự tin trong học tập; rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh; tổ chức các hoạt động tập thể vui tươi, lành mạnh; học sinh tham gia tìm hiểu, chăm sóc và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hoá, cách mạng ở địa phương.

 
Học sinh Trường TH Phước Đại B, Bác Ái đọc sách tại thư viện trường.

Với mục tiêu tạo nên một môi trường giáo dục an toàn, thân thiện; phát huy tính chủ động, tích cực sáng tạo của học sinh trong học tập và các hoạt động xã hội… phong trào ngay sau khi phát động đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ các thầy cô giáo, phụ huynh và học sinh. 100% đơn vị, trường học trong tỉnh bao gồm 89 trường mầm non, 147 trường tiểu học, 63 trường THCS, 18 trường THPT và 4 Trung tâm giáo dục thường xuyên đăng ký tham gia phong trào. Nhiều trường học, đặc biệt là những trường đóng trên địa bàn vùng sâu, vùng xa có hoàn cảnh khó khăn đã có nhiều sáng kiến, sáng tạo, cách làm hay để huy động mọi nguồn lực của xã hội chung tay xây dựng môi trường học tập an toàn, thân thiện cho học sinh.

Qua 4 năm triển khai thực hiện, có 78 trường học được xây dựng công trình nhà vệ sinh mới, 296 trường có khuôn viên cây xanh, cây cảnh được quy hoạch đảm bảo thoáng mát, sạch đẹp. Điều đáng nói, là tất cả những công trình này là sự chung tay, góp sức của thầy cô giáo, học sinh, phụ huynh và các tổ chức xã hội. 100% trường học trong tỉnh cũng phối hợp chặt chẽ, kịp thời với các ngành, đơn vị và huy động mọi nguồn lực để thực hiện tốt việc đảm bảo cho học sinh có đủ điều kiện đến lớp, không để xảy ra hiện tượng học sinh bỏ học. Điển hình nhất và việc tổ chức thành công bữa ăn trưa tại trường cho học sinh tiểu học và THCS ở huyện Thuận Bắc hay xây dựng mô hình trường phổ thông dân tộc bán trú ở Bác Ái. Những địa phương có điều kiện khó khăn như Thuận Bắc, Bác Ái lại là những nơi có các trường thực hiện phong trào “Xây dựng THTT-HSTC” hiệu quả nhất. Đồng chí Dương Thanh Trí, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Thuận Bắc cho biết: “Từ phong trào xây dựng THTT-HSTC, giáo dục Thuận Bắc đã có nhiều khởi sắc, xuất hiện nhiều mô hình trường lớp đẹp, thân thiện thu hút và giữ chân học sinh lại trường. Kết quả này cũng nhờ vào sự tận tâm, nhiệt tình của đội ngũ các thầy, cô giáo, chính họ là những người đã tạo ra sức lan tỏa của phong trào”.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Hồng Liêu, Giám đốc Sở GD&ĐT, sự thành công của phong trào thi đua “Xây dựng THTT-HSTC” cũng là một trong những thành tựu nổi bật của ngành GD&ĐT, góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục trong những năm qua. Phong trào đã được ngành triển khai với nhiều sáng tạo, linh hoạt, phong phú và được các địa phương, đơn vị trường học cụ thể hóa bằng những sáng kiến, phong trào ý nghĩa, tạo nên môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, phát huy sự tích cực, chủ động của học sinh để từng bước nâng cao chất lượng giáo dục. Tỷ lệ học sinh lưu ban, bỏ học giảm dần; chính quyền địa phương, phụ huynh và các ban, ngành, tổ chức xã hội quan tâm, chăm lo hơn đến sự nghiệp giáo dục...

Thực hiện nội dung rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh và tổ chức các hoạt động tập thể vui tươi, lành mạnh, cuộc thi “Khi tôi nói lời yêu thương” hay những buổi lễ “Tri ân và trưởng thành” dành cho học sinh cuối cấp đã giúp các em có được những bài học về giáo dục nhân cách, đạo đức sâu sắc. Lớp đào tạo lực lượng nòng cốt diễn tấu nhạc cụ Mã La cho học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Pi-năng-tắc (Bác Ái) do Sở GD&ĐT phối hợp với Hội Văn nghệ Dân gian tỉnh tổ chức cũng góp phần cổ vũ niềm hứng thú, say mê để các em thêm tự hào về truyền thống cha ông và góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Qua 4 năm triển khai thực hiện, Sở GD&ĐT đã kiểm tra, đánh giá và công nhận 100 trường học xếp loại xuất sắc; nhiều sáng kiến tiêu biểu của các thầy, cô giáo đã được biểu dương và tuyên truyền để nhân rộng tới tất cả các đơn vị trường học trong toàn tỉnh. Quan trọng hơn cả là hiệu quả từ phong trào sẽ có những tác động tích cực đến việc nâng cao nhận thức, sự quan tâm của toàn xã hội đối với sự nghiệp giáo dục để có thêm động lực nâng chất lượng giáo dục ở tất cả các cấp học.