Quyết định số 62 /2012/QĐ-UBND, ban hành Quy định về DTHT trên địa bàn tỉnh gồm có 5 chương, 21 điều, quy định rõ về điều kiện, hồ sơ, trình tự, thủ tục tổ chức DTHT; hồ sơ, thủ tục cấp giấy phép tổ chức hoạt động DTHT; trách nhiệm quản lý hoạt động DTHT; thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm. Văn bản được áp dụng đối với người dạy thêm, người học thêm và các tổ chức, cá nhân thực hiện hoặc có liên quan đến DTHT.
Hội nghị quán triệt, triển khai Quyết định số 62/2012/QĐ-UBND, ban hành Quy định về DTHT
và hướng dẫn hoạt động quản lý thu, chi đầu năm học 2012-2013.
Quyết định 62 có những điểm mới, khác so với quy định về quản lý, tổ chức thực hiện việc DTHT được quy định tại Quyết định 265/2007/QĐ-UBND, ngày 17/10/2007, của UBND tỉnh: Quy định rõ các nguyên tắc DTHT; các trường hợp không được dạy thêm; yêu cầu đối với việc tổ chức DTHT trong nhà trường và dạy thêm ngoài nhà trường; về thu và quản lý tiền học thêm; yêu cầu đối với người dạy thêm; yêu cầu đối với người tổ chức DTHT; thẩm quyền, hồ sơ, trình tự thủ tục cấp giấy phép tổ chức DTHT; thời hạn, gia hạn, thu hồi giấy phép tổ chức hoạt động DTHT… Đặc biệt, Quyết định lần này đã đưa ra quy định cụ thể hơn về trách nhiệm quản lý DTHT của các cấp chính quyền và các cấp quản lý giáo dục.
Quyết định 62 quy định về nguyên tắc DTHT: Không được cắt giảm nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khoá để đưa vào giờ dạy thêm và không dạy thêm trước những nội dung trong chương trình. Không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc học sinh và gia đình học sinh tham gia học thêm… Thời gian dạy thêm trong ngày từ 7 giờ đến 20 giờ. Không được DTHT trong các ngày ngày lễ, ngày tết; các kỳ kiểm tra học kỳ, các kỳ thi.
Học sinh tiểu học và học sinh được dạy học 2 buổi/ngày không được tổ chức DTHT. Giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập không được tổ chức DTHT ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường. Người dạy thêm phải có trình độ chuyên môn nghiệp vụ đạt chuẩn trở lên và có ít nhất 3 năm dạy môn, khối lớp đó; không trong thời gian bị kỷ luật, bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chấp hành án phạt tù, cải tạo không giam giữ, quản chế, bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc đưa vào cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục; không bị kỷ luật với hình thức buộc thôi việc. Riêng với người dạy thêm là cán bộ, giáo viên đã nghỉ hưu, phải có thêm xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền chứng nhận đủ sức khỏe để đảm bảo giảng dạy.
Các cơ sở dạy thêm ngoài nhà trường phải công khai tại địa điểm tổ chức dạy thêm giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm; danh sách người dạy thêm; thời khóa biểu dạy thêm, học thêm; mức thu tiền học thêm; và danh sách học sinh học thêm.
Căn cứ vào các văn bản của Nhà nước quy định về các khoản thu trong nhà trường như: Công văn số 6794/BGDĐT-TTr, ngày 12 tháng 10 năm 2012, của Bộ Giáo dục và Đào tạo về quản lý dạy thêm, học thêm và hoạt động thu chi đầu năm học; công văn số 4984/UBND-VX, ngày 22 tháng 10 năm 2012, của UBND tỉnh về công tác quản lý, kiểm tra giám sát dạy thêm, học thêm và hoạt động thu chi đầu năm học; Thông tư số 09/2009/TT-BGDĐT, ngày 07 tháng 5 năm 2009, của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ban hành Quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân… Sở Giáo dục và Đào tạo đã triển khai, hướng dẫn các đơn vị giáo dục trên địa bàn tỉnh thực hiện công khai các khoản thu trong trường học.
Theo đó, các đơn vị giáo dục phải thực hiện công khai các khoản thu bắt buộc phục vụ đào tạo trong nhà trường; các khoản thu phục vụ trực tiếp cho học sinh, sinh viên; các khoản thu tự nguyện và các khoản thu không bắt buộc, không phục vụ đào tạo, không thuộc nhiệm vụ của trường. Ngoài ra, nhà trường cũng phải công khai các chế độ miễn, giảm, hỗ trợ chi phí học tập đối với học sinh.
Theo nguyên tắc, các cơ sở GD&ĐT không được thu thêm bất cứ khoản thu nào khác ngoài các khoản thu trong quy định và phải thực hiện công khai, dân chủ, minh bạch.
Bích Thủy