Ninh Sơn: Chủ động phòng chống lũ trong mùa mưa bão

(NTO) Ninh Sơn là huyện miền núi địa bàn rộng, địa hình chia cắt, nhiều sông, suối dốc, có nhiều công trình thủy điện và thủy lợi đã và đang thi công, mùa mưa thường xảy ra lũ ống, lũ quét với lượng nước đổ về rất nhanh, nên nguy cơ sạt lở gây thiệt hại rất cao. Để chủ động phòng chống lũ, giảm những thiệt hại do thiên tai gây ra, huyện Ninh Sơn đã triển khai các phương án phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn từ đầu mùa mưa.

Đầu tháng 10 vừa qua, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão và áp thấp nhiệt đới, trên địa bàn huyện Ninh Sơn đã có mưa to và rất to, nước lũ lên nhanh gây lũ quét cục bộ trên địa bàn 3 xã Ma Nới, Lâm Sơn và Quảng Sơn làm thiệt hại về người và tài sản, cùng một số công trình. Cụ thể, nước lũ đã cuốn trôi 1 người khi đi qua đập tràn Ma Nhông (xã Ma Nới), gây sạt lở 8.500m2 đất trồng cây ăn quả, làm ngã đổ gần 300 cây ăn quả, cuốn trôi 150 con vịt, sạt lở một số chuồng trại, ao nuôi của người dân. Phá hỏng nhiều công trình về giao thông, thủy lợi như làm hỏng đường và sập bờ tràn tây Sông Dầu, bờ tràn Suối Ấm, đập tràn Gia Chiêu, đường đi Ma Nới, vỡ thân đập A Toa; làm bồi lấp, sạt lở gây hư hỏng một số hệ thống thủy lợi Tà Nôi (Ma Nới), Hà Dài (Lâm Sơn)... Theo thống kê của Ban chỉ huy PCLB huyện Ninh Sơn, ước tổng thiệt hại lên đến trên 1,16 tỷ đồng.

Mặc dù đây chỉ mới là đợt mưa lớn đầu mùa nhưng đã gây thiệt hại hết sức nặng nề. Do đó để chủ động ứng phó với thiên tai, huyện Ninh Sơn đã khẩn trương khắc phục hậu quả; kiểm tra, rà soát các công trình bị hư hỏng để chủ động bố trí kinh phí khắc phục, đảm bảo giao thông thông suốt và ổn định đời sống, sinh hoạt cho người dân. Cụ thể UBND huyện đã hỗ trợ xã Ma Nới 20 triệu đồng khắc phục sửa chữa tràn Suối Ấm để người dân thôn Tà Nôi đi lại; cung cấp, vận chuyển 60 rọ đá từ xã Lâm Sơn cho xã Quảng Sơn để khắc phục, sửa chữa bờ tràn Sông Dầu kịp thời phục vụ nhu cầu vận chuyển mía, mỳ cho người dân đang vào vụ thu hoạch. Tại khu vực suối Gia Chiêu, do dòng suối chuyển dòng chảy vào khu vực bờ Nam có nguy cơ gây sạt lở đất và nhà ở của một số hộ dân thôn Lâm Phú, Lâm Bình xã Lâm Sơn, huyện đã vận động, tổ chức di dời các hộ dân đến ở nơi an toàn trong thời gian mưa lũ; đồng thời chỉ đạo UBND xã khắc phục, đào đắp, khơi thông suối để chuyển dòng chảy về hướng chính, hạn chế thiệt hại có thể xảy ra đối với người dân.

Ông Phan Kế Vũ, Phó Phòng phụ trách Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ninh Sơn cho biết: “Ngay từ đầu năm, Ban chỉ huy PCLB huyện đã triển khai và chỉ đạo các địa phương xây dựng phương án phòng chống phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; phân công trách nhiệm cho từng thành viên các cấp chủ động trong công tác PCLB theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư, phương tiện tại chỗ, kinh phí hậu cần tại chỗ) và “3 sẵn sàng” (chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương có hiệu quả). Khi có tình hình mưa lớn xảy ra, các địa phương tổ chức trực 24/24 để tiếp nhận thông tin về diễn biến tình hình mưa bão, thông báo kịp thời cho nhân dân biết để chủ động phòng tránh; tổ chức kiểm tra các khu vực xung yếu có nguy cơ ngập úng, sạt lở đất để vận động nhân dân di dời đến nơi an toàn. Tại một số địa bàn xung yếu như thôn Hà Dài (Lâm Sơn), Tà Nôi (Ma Nới), nơi dễ bị chia cắt, gây sạt lở khi có mưa lũ, huyện đã có phương án chủ động di dời dân đến các vùng an toàn trước khi xảy ra lũ quét, tránh gặp nguy hiểm; tại các đập tràn bố trí lực lượng hướng dẫn và ngăn cản không cho người và phương tiện đi qua khi chưa đảm bảo an toàn.

Tuy nhiên để công tác phòng chống lụt bão trên địa bàn huyện Ninh Sơn thực sự có hiệu quả, trong thời gian tới, huyện chú trọng đẩy nhanh việc đầu tư xây dựng khu tái định cư thôn Tầm Ngân để bố trí chỗ ở cho 30 hộ trong vùng ven suối dễ bị sạt lở. Có hướng đầu tư các công trình kè, cống, thủy lợi chống lũ như: khắc phục sạt lở bờ Sông Hà Dài (Ma Nới), chống sạt lở bờ Sông Ông (khu vực thôn Tầm Ngân 1, xã Lâm Sơn), chống sạt lở bờ phải dòng chảy Sông Pha, bờ phải dòng chảy Sông Cái (khu vực Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện) và chống sạt lở bờ tả sông Dinh (khu vực thôn Nha Hố, xã Nhơn Sơn). Măt khác hỗ trợ sửa chữa cầu tạm Xóm Mới (Lâm Sơn) và đường đi qua cầu đúc thay thế cầu treo tại xã Lương Sơn đã bị lũ cuốn trước đây để người dân đi lại thuận lợi, an toàn. Có như vậy thì công tác phòng chống lũ trên địa bàn huyện mới thực sự mang lại hiệu quả,  bền vững.