1. Không nên uống rượu và bia cùng lúc
Nhiều người trên bàn nhậu, sau khi uống vài chầu bia bèn quay sang uống rượu cho “đã”, mà không biết rằng, thói quen vừa uống rượu lại uống bia rất có hại cho cơ thể. Nồng độ cồn trong bia tuy thấp nhưng thành phần nước và carbonic lại nhiều, nên độ thẩm thấu cũng nhanh hơn. Do đó, khi uống bia rượu cùng một lúc sẽ làm cho lượng cồn thẩm thấu vào người nhanh hơn, gây kích thích mạnh, từ đó ảnh hưởng tới việc tạo men tiêu hóa, làm giảm dịch vị, gây ra các triệu chứng như co thắt dạ dày, viêm dạ dày, hành tá tràng cấp...
2. Không nên uống rượu với nước có ga
Pha rượu mạnh với nước có ga như coca cola, soda... khiến đồ uống khoái khẩu hơn, nhưng lại vô cùng có hại và dễ làm người uống nhanh say hơn. Đó là do khí ga trong làm cho cồn nhanh chóng lan tỏa khắp người và sinh ra một lượng lớn CO2, rất có hại cho dạ dày, ruột, gan, thận. Ngoài ra, chất này còn ảnh hưởng đến tim và hệ thống thần kinh trung ương, gây nên tình trạng hưng phấn quá mức hoặc hôn mê, thậm chí dẫn đến tử vong. Vì vậy, khi uống rượu không nên uống chung với nước có ga, đặc biệt, khi say rượu tuyệt đối không được uống loại nước này.
3. Không nên uống trà đặc ngay sau khi uống rượu
Trà có tác dụng giải rượu, nhưng nó lại gây các tác hại khác cho tim mạch. Sở dĩ như vậy là vì rượu và nước trà đều có chất kích thích mạnh đối với tim. Với rượu, tim đã phải làm việc tăng lên, nay lại thêm trà vào khiến tim phải hoạt động mạnh hơn nữa, dẫn đến hưng phấn quá mức, rất có hại, nhất là với người trung và cao tuổi. Không chỉ hại tim, uống trà ngay sau khi uống rượu cũng làm cho thận phải làm việc quá mức để đào thải chất kích thích.
Việc đào thải đó không kịp sẽ dẫn đến ứ đọng chất cồn, lâu ngày dẫn đến dư thừa acid uric, gây bệnh gút và sỏi thận. Không những thế, chất theophylline trong trà có tác dụng lợi tiểu, trong khi đó chất ethylaldehyde trong rượu cồn chưa bị phân giải hết, nhưng do tác dụng lợi tiểu của theophylline nên đã đi vào thận, gây kích thích khá mạnh đối với thận nên dễ làm thận tổn thương.
4. Không uống cà phê sau khi uống rượu
Sau khi uống rượu, lượng cồn sẽ nhanh chóng bị hấp thu qua đường tiêu hóa để vào hệ thống tuần hoàn máu và đưa đi khắp cơ thể, ảnh hưởng tới dạ dày, tim, gan, thận, hệ thống nội tiết, đặc biệt là não. Ngay sau đó, nếu “bồi” tiếp cà phê sẽ không khác gì đổ thêm dầu vào lửa. Chất cafein trong cà phê khiến các cơn hưng phấn tăng cao, làm cho não bị kích thích mạnh, gây ra các triệu chứng như chóng mặt, nôn, run rẩy, không kiểm soát được hành động... Không những thế, “bản song tấu” giữa cà phê và rượu còn kích thích làm căng mạch máu, tăng lượng tuần hoàn khiến tim làm việc quá tải.
5. Không uống rượu lúc đói
Gan có nhiệm vụ chuyển hóa thức ăn thành đường cung cấp cho cơ thể. Việc cung cấp này phải diễn ra liên tục, vì nếu không cơ thể sẽ rơi vào tình trạng đường huyết thấp. Khi đường huyết thấp, do tổ chức não bị thiếu đường glucose nên sinh đau đầu, tim đập mạnh, đổ mồ hôi lạnh và có cảm giác đói cồn cào, có trường hợp bị hôn mê thậm chí gây tử vong do đường huyết tụt thấp. Khi uống rượu, chất cồn sẽ gây cản trở hoạt động chuyển hóa đường của gan, vì thế, nếu uống rượu lúc đang đói rất nguy hiểm. Do đó, trước khi uống rượu cần phải ăn các thực phẩm giàu chất bột đường để điều hòa đường huyết.
6. Không được tắm ngay sau khi uống rượu
Sau khi uống rượu, hoạt động của gan bị ức chế khiến lượng đường vào máu ít đi, tim đập nhanh và quá trình trao đổi chất gia tăng. Nếu sau khi uống rượu mà đi tắm ngay, nhất là tắm nước nóng, sẽ lại càng khiến tim đập nhanh hơn, quá trình trao đổi chất cũng tăng mạnh, lượng đường glucose dự trữ trong cơ thể bị tiêu hao nhiều, dẫn đến đường huyết giảm đột ngột, thân nhiệt cũng hạ nhanh, rất nguy hiểm cho tính mạng. Vì vậy, sau khi uống rượu phải nghỉ ngơi cho đến khi giã rượu, nhịp tim trở lại bình thường mới tắm.
Cách giải rượu đơn giản mà hữu hiệu
Có rất nhiều cách giải rượu đơn giản nhưng hiệu quả cao và dễ thực hiện. Một trong số đó là dùng thực phẩm mà chúng ta vẫn ăn hằng ngày:
Lòng trắng trứng gà: Cho người say rượu húp 2 lòng trắng trứng gà còn tươi, chất cồn trong dạ dày khi gặp protein lòng trắng trứng sẽ bị kết tủa lại, từ đó giảm bớt hấp thu vào máu. Lòng trắng trứng còn tránh hiện tượng bỏng niêm mạc dạ dày do rượu.
Trứng muối: Luộc một quả trứng muối rồi cho người say rượu ăn cùng với giấm (ăn cả lòng trắng).
Giấm: Giấm ăn 60g, đường đỏ 15g, gừng 3 lát giã nát. Hòa 3 thứ với nhau rồi cho bệnh nhân uống, bảo đảm một lát sau sẽ giải rượu.
Rau cải trắng: Lấy một vài búp rau cải trắng rửa sạch, thái sợi, rồi bóp với đường và giấm để ăn. Có thể dùng món này khi đang uống rượu để giảm bớt tác hại của chất cồn.
Củ cải trắng: Giã nát một ít củ cải trắng, sau đó vắt lấy nước cốt, thêm chút đường đỏ rồi cho người say uống làm nhiều lần trong khoảng 15 phút.
Rau cần: Rau cần một nắm rửa sạch, giã nát rồi vắt lấy nước cốt cho người say uống từ từ. Nước cốt rau cần không chỉ làm tỉnh rượu mà còn giúp người say không bị đau đầu váng vất sau khi tỉnh.
Nước cơm: Sau khi uống rượu, nếu uống một bát nước cơm sẽ không bị say nữa, vì cồn gặp nước cơm sẽ tạo nên hiện tượng kết tủa, từ đó làm giảm lượng cồn hấp thu vào máu.
Củ sắn dây 25-50g nấu nước uống. Hoặc pha một cốc bột sắn dây với một chút nước chanh rồi cho người say uống, một lúc sau sẽ tỉnh táo trở lại. Sắn dây cũng rất tốt cho gan.
Ðậu xanh: Lấy 100g đậu xanh ninh nhừ với 12g cam thảo rồi cho người say ăn cả nước lẫn cái. Bài thuốc này vừa giải rượu, vừa mát gan.
Mía đỏ: Cho người say uống một cốc nước mía đỏ có pha thêm một chút nước chanh hoặc nước quất, sau 10 phút sẽ thấy tỉnh táo trở lại.
Ăn các loại quả chua như cam, quýt hoặc dâu tươi... cũng giúp giải rượu rất tốt.
Nguồn suckhoedoisong.vn