Trong các nguyên nhân gây tăng huyết áp, trước hết phải nói đến lượng muối ăn hàng ngày. Một số nhà nghiên cứu cho thấy ở các vùng mà dân cư ăn ít muối thì bệnh tăng huyết áp không đáng kể, không thấy có tăng huyết áp theo tuổi.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, chế độ ăn muối 6g/ngày đối với người lớn là hợp lý để phòng tăng huyết áp. Vì vậy, muốn phòng chống bệnh tăng huyết áp cần thực hiện một chế độ ăn hạn chế muối. Huyết áp cao làm tăng nguy cơ tai biến mạch máu não, suy thận, suy tim và xuất hiện các cơn đau tim… Không hút thuốc lá vì hút thuốc lá không những gây tổn thương màng trong các động mạch mà còn sinh ra chất nicotin gây tăng nhịp tim và tăng huyết áp; giảm uống rượu, bia, ăn thực phẩm giàu canxi có trong sữa. Cần hạn chế ăn các thức ăn nguồn gốc động vật như phủ tạng động vật, lòng đỏ trứng, không ăn da, đầu, cổ, cánh, chân của các loại gia cầm, giảm năng lượng. Hạn chế ăn đồ ngọt vì đường là chất cung cấp một lượng lớn gluxit và calo, vì vậy người thường xuyên ăn nhiều đường sẽ phát triển bệnh xơ vữa động mạch, tiểu đường, ung thư. Do đó, một chế độ ăn giảm chất béo động vật, dùng dầu thực vật chế biến thức ăn như dầu ô liu, dầu đậu nành... nhưng cũng phải hạn chế, bớt ăn thịt thay thế bằng tăng ăn cá và ăn các thức ăn có nguồn gốc thực vật như khoai, đậu và các loại rau quả có nhiều kali. Ăn nhiều rau và hoa quả giúp duy trì cân nặng một cách hợp lý, duy trì huyết áp trong giới hạn bình thường từ đó giúp giảm các biến cố về tim mạch vì trong rau xanh và hoa quả có chứa nhiều vitamin, chất khoáng, chúng cung cấp rất ít calo, nhất là những hoa quả có màu đỏ càng tốt. Hàng ngày nên ăn cà chua, ăn sống là tốt nhất, thường xuyên ăn đậu phụ, có thể làm giảm huyết áp ở hầu hết những người có tăng huyết áp nhẹ. Đối với bệnh nhân tăng huyết áp nặng, chế độ ăn uống nói trên giúp giảm bớt sử dụng các thuốc hạ huyết áp.
Để tránh bị thừa cân và phòng ngừa bệnh tật nhất là các bệnh về tim mạch, mỗi người trong chúng ta nên ăn vừa đủ no, không ăn nhiều, hạn chế ăn những thức ăn có quá nhiều chất béo. Lời khuyên của các nhà dinh dưỡng là năng lượng do chất béo cung cấp không được vượt quá 30%, các loại đường ngọt không quá 10%, còn năng lượng do protein nên đạt từ 10- 15%. Cần tuân thủ chế độ dinh dưỡng nghiêm ngặt, nên ăn uống đều đặn 3 bữa/ngày, đối với người già nên ăn 4-5 bữa/ngày, cần phải thường xuyên uống nhiều nước ít nhất 1,5- 2lít nước/ngày, đặt biệt uống nước trà xanh thường xuyên.
Ngoài chế độ ăn uống, chúng ta cũng cần phải rèn luyện cơ thể thích hợp và đều đặn không những có lợi cho cơ thể mà còn làm giảm thiểu tác động của các bệnh tim mạch. Chọn các môn thể thao phù hợp như đi bộ, bơi lội, đạp xe, tập dưỡng sinh… mỗi lần tập khoảng 30 phút, rồi từ từ tăng dần lên, không nên tập nặng ngay từ đầu. Nên chú ý, trong lúc luyện tập thấy có hiện tượng như chóng mặt, tức ngực, thở dốc, buồn nôn, ra nhiều mồ hôi thì cần nghỉ ngơi tại chỗ. Sau đó nên đến bác sĩ tim mạch khám để tìm nguyên nhân và điều trị, nếu muốn tập luyện tiếp phải hỏi ý kiến của bác sĩ.
Bùi Thị Thu