Phương án 0 tuổi
Từ “trồng” có nghĩa là ươm mầm, gieo giống các loại cây cối và tạo điều kiện thuận lợi cho chúng phát triển, sinh sôi nảy nở. Đây là hình thức sản xuất/tái sản xuất thức ăn đầu tiên của con người thay vì nền kinh tế chiếm đoạt (săn bắt/ săn bắn/ hái lượm) bấp bênh trước đó. Như vậy từ “trồng” mang một ý nghĩa nhân bản rõ ràng, chỉ có con người mới có và chỉ có con người mới thực hiện được nó.
Do đó, khi bàn về sự phát triển của nền giáo dục nước nhà, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói rằng: “Vì lợi ích mười năm trồng cây. Vì lợi ích trăm năm trồng người”. Vậy đối với sự nghiệp “trồng người”, chúng ta đã thực hiện nó như thế nào trong những bước đi đầu tiên?
Đầu tiên, chúng ta phải xét về sự giáo dục thiếu niên nhi đồng. Trẻ em như một trang giấy trắng nên chúng ta có thể “viết” vào đó những hiểu biết cần thiết để các em có thể nhận thức được những điều thường nhật trong cuộc sống.
Tuy nhiên, việc chăm sóc trẻ từ 0 - 6 tuổi vẫn còn đang là một nỗi ưu tư của nền giáo dục Việt Nam. Nhiều gia đình vì điều kiện kinh tế khó khăn, địa hình cách trở, cha mẹ nuông chiều sợ con cái không được chăm sóc tốt như ỏ nhà nên nhiều em bé ở lứa tuổi này không được đến các nhà trẻ, mẫu giáo để thụ hưởng nền giáo dục từ sớm. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến tâm sinh lý và nhận thức của các em cũng như tạo ra sự mất cân đối trong tập thể lớp khi các bạn đồng trang lứa đã có đủ “hành trang” để chuyển tiếp vào bậc tiểu học.
Mặc dù vậy, hiện tượng “bé lên ba bé đi mẫu giáo” ở Việt Nam vẫn còn là… muộn so với thế giới. Ở nhiều nước tiên tiến, việc giáo dục từ trong bụng mẹ đã được đặt ra từ lâu. Các công trình nghiên cứu khoa học trên thế giới chỉ ra rằng 95% tiềm năng phát triển của con người tập trung trong giai đoạn từ 0 – 6 tuổi, chỉ có 5% tiềm năng của con người sẽ được phát triển trong suốt thời gian còn lại của cuộc đời.
Từ kết quả nghiên cứu này, các nhà khoa học đã đề ra “Phương án 0 tuổi”. Phương án này chỉ ra rằng: Chỉ trong 9 tháng ngắn ngủi, thai nhi đã đi hết chặng đường tiến hóa 3,86 tỷ năm của thế giới tự nhiên. Cho nên, một ngày của thai nhi bằng cả 10 triệu năm tiến hóa của loài người. Nếu chúng ta mang lại cho thai nhi những kích thích nhỏ trong quá trình phát triển với tốc độ thần tốc của nó thì sẽ tạo ra những ảnh hưởng vô cùng to lớn tới thai nhi.
Theo thông tin báo chí công bố vào tháng 5/2012, hiện nay chỉ có Viện nghiên cứu giáo dục trẻ thông minh sớm VSK (VICER) là đơn vị duy nhất được chuyển giao đầy đủ bản quyền “Phương án 0 tuổi” và là đơn vị đầu tiên đưa mô hình thai giáo này vào Việt Nam. Như vậy, rõ ràng Việt Nam chúng ta đã đi chậm hơn so với thế giới về khoa học “trồng người” rất nhiều. Đây là một thiệt thòi lớn mà giới trẻ Việt Nam đang phải gánh chịu.
Ảnh minh họa
Cần cù có bù “khả năng”?
Như đã nói ở trên, vì điều kiện đặc thù Việt Nam vẫn chưa áp dụng nền “giáo dục sớm” trong dạng phổ quát. Điều này nghĩa là chúng ta chỉ có thể khai thác 5% tiềm năng của con người trong độ tuổi từ 6 trở lên. Trên thực tế việc khai thác tiềm năng nhỏ nhoi này dường như vẫn còn nhiều điều bất cập.
Đức trẻ khi sinh ra chỉ biết đến nhu cầu sinh học nên chỉ đói ăn, khát uống. Sau được mẹ ầu ơ, bà kể chuyện cổ tích, bố kèm ê a câu chữ mới biết nhận thức cảm tính. Khi đến trường, đứa trẻ mới biết thêm đến nhiều cách ứng xử và nhiều kiến thức cần thiết khác.
Trên thực tế, do không phân loại khả năng của các em sớm nên nhiều học sinh (kể cả bậc tiểu học) mặc dù tỏ ra rất cần cù vẫn bị học tủ, học lệch và mất căn bản. Bởi mục đích của các em được đôn thúc từ tâm thế học lấy thành tích, học để lấy bằng chứ không chú trọng vào việc học để lập nghiệp, học để sáng tạo và học vì sự phát triển quốc gia dân tộc.
Chính người lớn và những nhà quản lý giáo dục đôi khi đã ảnh hưởng không tốt đến khả năng của giới trẻ thay vì để các em hành động theo khả năng và sở thích của riêng mình.
Do đó, có thể nói rằng những gì đã không hợp lý trong giáo dục thì nên bỏ. Đó là điều kiện để chúng ta tiếp thu những cái mới tốt hợp, nhằm rút ngắn được khoảng cách khác biệt đối với thế giới. Tất nhiên, muốn trở thành chủ nhân thực thụ của Đất nước thì con đường học tập của bất kỳ ai cũng phải là con đường học tập suốt đời.
Nguồn Báo Giáo dục & Thời đại