Như Báo Ninh Thuận đã đưa tin, từ tháng 7-2012, UBND Tp. Phan Rang-Tháp Chàm đã ra quyết định xử lý vi phạm hành chính các trường hợp vi phạm trong việc nuôi trồng thủy sản trái phép, đồng thời vận động người dân di dời lồng nuôi tới khu quy hoạch C1, C2 (cách vị trí nuôi hiện tại khoảng 5-6 km về hướng Đông Bắc - đã được Viện Hải dương học quy hoạch và UBND tỉnh phê duyệt thực hiện), nhằm trả lại mỹ quan bờ biển, phục vụ phát triển du lịch, nếu không chấp hành sẽ bị cưỡng chế.
Nhiều lồng bè nuôi tôm hùm gây mất mỹ quan trên biển Bình Sơn-Ninh Chử.
Tuy nhiên tại thời điểm đó, nhiều hộ nuôi xin lùi thời gian để bán hết lứa tôm đang nuôi dở, tránh thiệt hại có thể xảy ra trong quá trình di chuyển đến địa điểm nuôi mới”. Theo sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND thành phố đã lùi thời gian cưỡng chế di dời đến cuối tháng 9-2012. Thế nhưng, đến nay các hộ nuôi vẫn chây ỳ, tìm mọi lý do để trì hoãn hoặc chống chế. Một số hộ đã tự ý di chuyển lồng nuôi về khu vực phía Nam vịnh Phan Rang (gần phường Đông Hải) và tiếp tục thả nuôi không theo đúng vị trí đã quy hoạch phát triển vùng nuôi lâu dài của tỉnh.
Nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng nuôi tôm hùm lồng không theo quy hoạch, gây ảnh hưởng xấu đến mỹ quan và sự phát triển du lịch của tỉnh nhà, UBND thành phố đã chỉ đạo các địa phương có hộ nuôi gồm: phường Mỹ Hải, Mỹ Đông, Đông Hải tổ chức các lực lượng, Mặt trận và các đoàn thể vận động người dân chấp hành chủ trương chung. Theo đó, hộ nào chủ động di dời lồng bè nuôi tôm đến đúng vị trí đã được quy hoạch sẽ được UBND thành phố hỗ trợ tiền di dời 7 triệu đồng/lồng bè. Quá trình di dời sẽ được chính quyền địa phương, Bộ đội Biên phòng Đồn 412-Ninh Chử hướng dẫn vị trí di chuyển, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ nuôi ổn định sản xuất.
Theo ông Võ Sinh, Bí thư Đảng ủy phường Đông Hải, tại khu vực vịnh Phan Rang hiện có 48 lồng bè nuôi tôm hùm trái phép trong diện phải di dời (44 lồng bè nổi, 4 lồng chìm). Trong đó, ngoài 4 lồng bè của người dân 2 phường Mỹ Đông và Mỹ Hải, còn lại chủ yếu là của các hộ dân phường Đông Hải. Đến nay qua vận động, đã có 17 hộ đồng ý sẽ thực hiện cam kết di dời trước thời gian tổ chức cưỡng chế (5-10); số còn lại địa phương đang tích cực vận động để các hộ chấp hành chủ trương chung. Trường hợp chống chế, lôi kéo không chấp hành việc cưỡng chế di dời, gây mất ANTT tại địa phương sẽ giao cho lực lượng công an theo dõi, lập hồ sơ xử lý theo quy định của pháp luật. Vì khi đã hỗ trợ di dời, tạo mọi điều kiện tốt nhất để người dân ổn định sản xuất nhưng không chấp hành thì biện pháp cưỡng chế phá bỏ, tháo dỡ lồng nuôi phải được thực hiện một cách cương quyết.
Mong rằng với sự quyết tâm cao của chính quyền địa phương, UBND thành phố, cũng như ý thức chấp hành pháp luật và vì sự phát triển của tỉnh nhà, các lồng nuôi tôm tại biển Bình Sơn-Ninh Chử sẽ được di dời đến vùng nuôi theo quy hoạch trong thời gian sớm nhất.
Ngũ Anh Tuấn