Trường mẫu giáo Phước Vinh Xây dựng lớp học bán trú

(NTO) Trường Mẫu giáo Phước Vinh, đóng trên địa bàn xã miền núi Phước Vinh, huyện Ninh Phước. Khi chủ trương về việc thực hiện Phổ cập giáo dục mầm non (PCGDMN) cho trẻ 5 tuổi được ban hành, Mẫu giáo Phước Vinh cũng như nhiều trường ở các vùng nông thôn, miền núi khác phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Tuy nhiên, với sự tâm huyết, lòng yêu nghề… tập thể Trường Mẫu giáo Phước Vinh đã tự “gỡ khó” bằng những sáng kiến, giải pháp thiết thực để thực hiện thành công PCGDMN trẻ 5 tuổi, tất cả học sinh đều được học 2 buổi/ngày và ăn bán trú tại trường. Trường Mẫu giáo Phước Vinh có 4 điểm trường, trong đó điểm trường chính đóng tại thôn Phước An 1 và 3 điểm trường còn lại tại các thôn: Liên Sơn 1, Liên Sơn 2 và Bảo An. Năm học 2012-2013, toàn trường có 6 lớp mẫu giáo 5 tuổi với 171 cháu, trong đó có gần 20% cháu là con em đồng bào dân tộc Raglai.

 
Giờ tập viết của các em Trường Mẫu giáo Phước Vinh.

Trường đóng trên địa bàn của một xã miền núi, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn. Phụ huynh hầu hết đều sống dựa vào nghề nông, nên cũng ít có điều kiện để đưa đón, quan tâm đến việc học của con. Cơ sở vật chất của cả 4 điểm trường đều rất thiếu thốn, một số phòng học đã xuống cấp gây khó khăn cho việc dạy và học, nhất là vào mùa mưa. Đồ dùng, đồ chơi, trang - thiết bị của trường chủ yếu đều do giáo viên tự làm. Những khó khăn trên cũng chính là những thách thức đặt ra cho trường, đặc biệt càng khó khăn hơn khi triển khai thực hiện mở lớp học 2 buổi/ngày. Cô Nguyễn Thị Kim Ánh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Năm học 2009-2010, theo chỉ đạo của Phòng GD&ĐT huyện Ninh Phước, trường thực hiện dạy học 2 buổi/ngày nhưng không ăn bán trú tại trường nên không hiệu quả. Buổi chiều, có lớp chỉ có cô giáo không có trẻ do phụ huynh không có thời gian đưa đón con. Nhiều gia đình buổi trưa đón con về rồi đưa theo lên rẫy cho tiện hay sợ con mất giấc ngủ trưa nên không đưa đến lớp”.

Từ thực tế này, năm học 2010-2011 trường quyết tâm thực hiện cho trẻ ăn bán trú tại trường để vừa tiết kiệm thời gian đưa đón của phụ huynh vừa đảm bảo 100% trẻ được học 2 buổi/ngày. Được phụ huynh đồng tình, ủng hộ nhưng trường lại gặp không ít khó khăn vì cơ sở vật chất, nhân lực đều thiếu. Hơn nữa, vì đặc thù khó khăn chung nên sự đóng góp của phụ huynh cũng chỉ có giới hạn, đặc biệt là ở các điểm trường Liên Sơn, Bảo An.

Kể về những ngày đầu thực hiện lớp học bán trú, cô Nguyễn Thị Kim Ánh chia sẻ: “Chỉ sau mấy tuần, cả giáo viên và phụ huynh đều rất vui mừng khi thấy các cháu khỏe mạnh, ngày càng mạnh dạn, nhanh nhẹn. Tuy nhiên, vì giáo viên của trường không đủ để đáp ứng tiêu chuẩn 2 người/lớp bán trú nên tất cả giáo viên rất vất vả. Nhiều giáo viên đề nghị bỏ hình thức bán trú vì quá mệt, không có thời gian, sức khỏe để soạn bài, lên lớp dạy”.

Một bên là sự kỳ vọng, tin tưởng của phụ huynh, một bên là nỗi vất vả, khó khăn… cuối cùng những cô giáo dạy trẻ của Trường Mẫu giáo Phước Vinh với lòng yêu nghề, yêu trẻ đã quyết tâm, đồng lòng cùng nhau vượt qua khó khăn để duy trì hình thức bán trú, đảm bảo 100% trẻ được học 2 buổi/ngày. Vì không có điều kiện cơ sở vật chất và nhân lực, năm học 2010-2011 và 2011-2012, nhà trường và phụ huynh thống nhất thực hiện hợp đồng nấu ăn bên ngoài, cho trẻ ăn 2 bữa trưa và xế. Số trẻ ăn bán trú đạt trên 90%, một số gia đình khó khăn tự mang cơm đến trường cho con.

Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và chế độ dinh dưỡng cho trẻ, năm học 2012-2013, trường tiếp tục duy trì mô hình bán trú nhưng tổ chức nấu ăn ngay tại trường để dễ dàng kiểm tra, quản lý. Riêng tại các điểm trường Liên Sơn, Bảo An và các cháu có hoàn cảnh khó khăn, theo Thông tư liên tịch số 29 của Bộ Tài chính – Bộ GD&ĐT, mỗi tháng được hỗ trợ tiền ăn 120.000 đồng/cháu. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí chậm nên trường phải linh động nhờ đến sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm để đảm bảo cho 100% trẻ học tại trường đều được ăn bán trú ngay từ đầu năm học. Chị Trần Thị Thu Vân, phụ huynh có con học tại trường chia sẻ: “Vì gia đình làm nông nên chúng tôi ít có thời gian đưa đón, chăm sóc con. Nay gửi ở trường, cháu được ăn bán trú, có cô giáo chăm sóc, có bạn bè vui nên cháu ăn ngoan, khỏe mạnh… những phụ huynh như tôi rất yên tâm”.