Nâng giới hạn cho vay từ Quỹ phát triển địa phương

Trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 138/2007/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển địa phương, Bộ Tài chính đề xuất nâng giới hạn cho vay tối đa đối với một dự án từ 15% lên 20% vốn hoạt động của Quỹ tại thời điểm thực hiện.

Bộ Tài chính cho biết, giới hạn cho vay đối với một dự án theo quy định tại Nghị định 138 hiện nay tối đa là 15% vốn hoạt động của Quỹ.

Tuy nhiên, thực tế thời gian qua cho thấy mức giới hạn cho vay nêu trên là thấp vì nguồn vốn chủ sở hữu của hầu hết các Quỹ không lớn, trung bình khoảng 200 tỷ đồng nên giới hạn cho vay mỗi dự án khoảng từ 20 - 30 tỷ đồng. Trong khi đó các dự án cho vay, đầu tư chủ yếu là các dự án cơ sở hạ tầng như đường, hệ thống xử lý nước thải, bệnh viện, trường học… đòi hỏi vốn lớn.

Do đó, trong dự thảo, Bộ Tài chính đề xuất nâng giới hạn cho vay tối đa đối với một dự án từ 15% lên 20% vốn hoạt động của Quỹ tại thời điểm thực hiện và không vượt quá 80% tổng vốn đầu tư của dự án.

Trường hợp Quỹ đầu tư phát triển địa phương thực hiện đồng thời đầu tư trực tiếp và cho vay đối với 1 dự án thì tổng giới hạn đầu tư trực tiếp và cho vay không được vượt quá 30% vốn hoạt động của Quỹ tại thời điểm thực hiện.

Giới hạn cho vay đối với 1 khách hàng của Quỹ không vượt quá 35% vốn hoạt động của Quỹ.

 
Quỹ được sử dụng để đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế xã hội. Ảnh minh họa

13 lĩnh vực đầu tư của Quỹ

Đồng thời, để đảm bảo quy định về đối tượng đầu tư trực tiếp rõ ràng, tránh những cách hiểu khác nhau giữa các địa phương và các Quỹ, đồng thời nâng cao trách nhiệm, chủ động của Quỹ trong việc quyết định cho vay các dự án, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung, sửa đổi theo hướng ban hành Danh mục các lĩnh vực hạ tầng hạ tầng kinh tế - xã hội Quỹ thực hiện đầu tư trực tiếp và cho vay.

Theo đó, danh mục này gồm có 13 nhóm dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế - kỹ thuật và xây dựng hạ tầng xã hội như: Đầu tư các công trình giao thông; đầu tư cấp nước, xử lý rác thải/nước thải; di chuyển sắp xếp lại các cơ sở sản xuất, cụm làng nghề; đầu tư xây dựng, phát triển nhà ở xã hội; đầu tư xây dựng, mở rộng bệnh viện, trường học, siêu thị, chợ, trung tâm thương mại, chỉnh trang đô thị, hạ tầng khu dân cư, khu đô thị, khu tái định cư, văn hoá, thể dục thể thao, công viên, nghĩa trang; đầu tư phát triển hệ thống, phương tiện vận tải công cộng,…

Bên cạnh đó là các dự án đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội quan trọng khác do Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định sau khi có ý kiến chấp thuận của HĐND cấp tỉnh.

Lãi suất cho vay phù hợp với chi phí đầu vào

Bộ Tài chính cũng đề xuất sửa đổi lãi suất cho vay theo hướng: Lãi suất cho vay của Quỹ đầu tư phát triển địa phương được xác định theo nguyên tắc phù hợp với chi phí đầu vào của Quỹ bao gồm: vốn huy động đầu vào, phí quản lý, mức độ ưu đãi và khả năng của ngân sách địa phương.

Hàng năm hoặc trong từng thời kỳ, UBND cấp tỉnh ra quyết định ban hành khung lãi suất cho vay của Quỹ đầu tư phát triển địa phương đối với từng lĩnh vực ngành nghề.

Căn cứ vào mức độ rủi ro của từng dự án, Quỹ đầu tư phát triển địa phương quyết định lãi suất cho vay theo nguyên tắc không thấp hơn khung lãi suất cho vay do UBND cấp tỉnh phê duyệt.

Trường hợp UBND cấp tỉnh quyết định cho vay với lãi suất thấp hơn khung lãi suất quy định thì UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm cấp bù phần chênh lệch giữa mức lãi suất thấp nhất trong khung lãi suất cho vay và lãi suất chỉ định cho vay đối với dự án đó để đảm bảo bảo toàn vốn của Quỹ…

Lý giải vấn đề này, Bộ Tài chính cho biết: Nghị định 138 trước đây chỉ quy định lãi suất cho vay các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng theo nguyên tắc không thấp hơn lãi suất tín dụng đầu tư của Nhà nước. Tuy nhiên thực tế triển khai cho thấy việc tham chiếu mức lãi suất tín dụng đầu tư để các Quỹ cho vay chưa phù hợp. Vì trong khi Ngân hàng phát triển được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, nguồn vốn dồi dào, quy mô vốn lớn đáp ứng đủ nhu cầu dự án đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội, thì các Quỹ vẫn phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp với mức thuế suất 25% như đối với doanh nghiệp. Do nguồn vốn hạn hẹp, khả năng cho vay để đáp ứng nhu cầu đầu tư hạ tầng là rất thấp, nên nếu không có quy định linh hoạt thì các Quỹ không thu hút được các chủ đầu tư. Đặc biệt là các chủ đầu tư tư nhân để thực hiện dự án đầu tư hạ tầng trọng điểm của địa phương theo đúng mục tiêu, định hướng hoạt động của các Quỹ.

Nguồn Chinhphu.vn