Hiệp định này là văn bản pháp luật gồm các quy định cụ thể để triển khai thực hiện các Điều 17, 18 và 19 của Hiến chương ASEAN.
Mục đích của Hiệp định là hình thành khung pháp luật của ASEAN gồm các quy định về quyền ưu đãi, miễn trừ dành cho ASEAN với tư cách là một tổ chức quốc tế liên chính phủ và các cá nhân là quan chức, nhân viên làm việc cho ASEAN cũng như tham gia các hoạt động chính thức của ASEAN.
Hiệp định bao gồm 13 điều, quy định tư cách pháp nhân của ASEAN trong luật pháp quốc tế và luật pháp của các nước thành viên, quyền ưu đãi và miễn trừ của tổ chức ASEAN (đối với tài sản, trụ sở của ASEAN, các ưu đãi về thuế, thông tin liên lạc...), quyền ưu đãi miễn trừ của Tổng thư ký và nhân viên Ban thư ký ASEAN,...
Khi Hiệp định này được tất cả các quốc gia thành viên ASEAN phê chuẩn có hiệu lực thì các nước ASEAN có nghĩa vụ dành cho các quan chức của các nước khác được cử tham gia các hoạt động chính thức của ASEAN đang làm việc trên lãnh thổ quốc gia mình những quyền được ưu đãi, miễn trừ cần thiết để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của họ, phù hợp với thực tiễn ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, lãnh sự.
Đối với Việt Nam, sau khi Hiệp định này có hiệu lực, các cán bộ của Việt Nam được nhà nước cử tham gia các hoạt động ASEAN cũng được hưởng những ưu đãi, miễn trừ và bảo vệ cần thiết khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ tại các nước ASEAN khác.
Ngược lại, khi các quan chức của các nước khác vào Việt Nam tham dự các hoạt động chính thức của ASEAN tại Việt Nam, nước ta cũng cần bảo đảm những người này được hưởng những quyền ưu đãi, miễn trừ theo quy định của Hiệp định.
Nguồn Chinhphu.vn