Ảnh minh họa.
Đối với việc khai thác chính gỗ rừng sản xuất là rừng tự nhiên dự thảo quy định rõ: Công ty lâm nghiệp phải có phương án quản lý rừng bền vững và thiết kế khai thác được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Trong đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững, còn Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp tỉnh phê duyệt thiết kế khai thác hàng năm cho các Công ty lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, dự thảo giao quyền chủ động khai thác, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cho Công ty lâm nghiệp. Theo đó, công ty được quyền chủ động tổ chức khai thác chính gỗ rừng sản xuất là rừng tự nhiên theo phương án quản lý rừng bền vững và thiết kế khai thác hàng năm được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Cũng như được quyền chủ động tổ chức hoặc liên kết chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo quy định pháp luật.
Đối với rừng sản xuất là rừng tự nhiên thuộc đối tượng rừng nghèo, rừng chưa có trữ lượng không có khả năng phục hồi thì công ty lâm nghiệp phải lập dự án cải tạo rừng theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Còn đối với rừng nghèo, rừng chưa có trữ lượng có khả năng phục hồi và rừng chưa đến kỳ khai thác chính thì kinh phí quản lý, bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh rừng được đảm bảo từ nguồn thu hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty hoặc vốn vay ưu đãi.
Riêng đối với rừng phòng hộ, đặc dụng là rừng tự nhiên, dự thảo cho phép khai thác gỗ và lâm sản trong rừng tự nhiên là rừng phòng hộ trên cơ sở phương án quản lý rừng bền vững theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đảm bảo không làm giảm hiệu năng phòng hộ của rừng và lượng khai thác không được lớn hơn lượng tăng trưởng của rừng.
Miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất
Dự thảo cũng quy định miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với diện tích đất được giao có rừng sản xuất là rừng tự nhiên, rừng sản xuất là rừng trồng.
Đồng thời, miễn tiền giao rừng có thu tiền sử dụng rừng, tiền thuê rừng đối với diện tích rừng sản xuất là rừng tự nhiên và rừng sản xuất là rừng trồng hình thành từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước,…
Dự thảo, còn cho phép công ty lâm nghiệp được dùng giá trị quyền sử dụng đất đối với diện tích được giao, được thuê; quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng để góp vốn liên kết trong các dự án lâm nghiệp và dịch vụ; để thế chấp khi vay vốn đầu tư sản xuất kinh doanh lâm nghiệp.
Nguồn www.chinhphu.vn