Ở các xã miền núi, vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống được triển khai các loại hình đào tạo cô đỡ thôn bản hoặc đào tạo cán bộ y tế thôn bản biết về quản lý thai nghén và đỡ đẻ an toàn… Nhờ vậy, các chỉ số về SKSS của tỉnh nói chung, vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, vùng sâu, vùng xa nói riêng ngày càng được cải thiện.
Cô đỡ thôn bản xã Phước Thành (Bác Ái) thăm,khám thai cho phụ nữ ở địa phương.
Với mục tiêu tăng cường năng lực chăm sóc SKSS miền núi, nhằm cải thiện tình trạng SKSS giữa các vùng, ngành Y tế tỉnh ta đã triển khai đồng bộ và quyết liệt nhiều giải pháp: Củng cố và kiện toàn bộ máy làm công tác chăm sóc SKSS ở tuyến cơ sở, đặc biệt là những vùng khó khăn, vùng miền núi và vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số; bảo đảm có đủ cán bộ y tế có kiến thức và kỹ năng về chăm sóc SKSS, có đủ trang-thiết bị y tế và thuốc thiết yếu. Đồng thời tăng cường đào tạo cán bộ y tế theo địa chỉ; nâng cao hiệu quả công tác thông tin, giáo dục, truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi có lợi cho SKSS đối với cán bộ, đảng viên, những người có uy tín trong cộng đồng và mọi người dân; mở rộng và phát triển các dịch vụ chăm sóc SKSS từ quản lý thai nghén, khi sinh, sau sinh, bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đến cung cấp các dịch vụ sàng lọc trước sinh, sơ sinh và tư vấn tiền hôn nhân…
Bác sỹ Lê Minh Định, Giám đốc Sở Y tế cho biết: Trong chiến lược cải thiện tình trạng chăm sóc sức khỏe nhân dân của tỉnh, chăm sóc SKSS là một trong những nhiệm vụ được tập trung hàng đầu. Để tăng cường năng lực chăm sóc SKSS cho miền núi, UBND tỉnh đã ban hành “Đề án sử dụng nhân viên y tế thôn kiêm nhiệm cô đỡ thôn bản đối với các thôn thuộc xã miền núi, vùng khó khăn của tỉnh đến năm 2020” nhằm giảm thiểu số trường hợp tử vong mẹ, tử vong trẻ, giảm tai biến sản khoa và góp phần giảm suy dinh dưỡng trẻ em, thu hẹp đáng kể sự khác biệt về mặt bằng chăm sóc SKSS giữa các địa bàn trong tỉnh. Theo đó, song song với việc bồi dưỡng nâng cao chuyên môn cho đội ngũ 45 cô đỡ thôn bản hiện có ở 2 huyện Bác Ái và Thuận Bắc, ngành sẽ đào tạo lực lượng cô đỡ thôn bản cho 162 thôn của 30 xã miền núi, vùng khó khăn ở các địa phương trong tỉnh; tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực cho y tế các tuyến; tăng cường hỗ trợ y tế tuyến xã thông qua Đề án 1816 nhằm nâng cao năng lực chăm sóc SKSS miền núi”.
Diễm My