Thông tin này được đưa ra tại cuộc họp báo sáng 16/8, tại Hà Nội do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức. Tham dự ngày hội là các nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công là người dân tộc Chăm cùng các chức sắc tôn giáo tiêu biểu.
Mục đích của Ngày hội nhằm góp phần tăng cường tình đoàn kết, giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm bảo tồn, phát triển văn hóa, thể thao và du lịch vùng đồng bào dân tộc Chăm.
Lễ hội Kate là lễ hội lớn nhất trong năm của đồng bào người Chăm (ảnh: Internet)
Các hoạt động điễn ra trong ngày hội gồm: Biểu diễn nghệ thuật, trình diễn trang phục truyền thống dân tộc Chăm; Thi đấu thể thao; Giới thiệu Văn hóa ẩm thực; Hội chợ - triển lãm và giới thiệu “Đặc trưng văn hóa dân tộc Việt Nam” thông qua các hình ảnh, hiện vật, trang phục, nhạc cụ và các sản phẩm văn hóa dân tộc tiêu biểu và Hội thảo bảo tồn, phát triển văn hóa Chăm.
Ông Phan Quốc Anh, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận khẳng định: các hoạt động trên diễn ra trong ngày hội thể hiện rõ nét bản sắc văn hóa của đồng bào Chăm, sáng tạo, đa dạng, độc đáo, lành mạnh. Ban tổ chức Ngày hội sẽ tạo điều kiện tốt nhất để các nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên, chức sắc tôn giáo tiêu biểu gặp gỡ, giao lưu văn hóa, trao đổi học hỏi kinh nghiệm trong xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở và thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn.
Ông Phan Quốc Anh cho biết, theo số liệu thống kê, đồng bào Chăm có hơn 100 lễ hội quanh năm. Do vậy, việc bảo tồn lễ hội văn hóa Chăm đóng vai trò rất quan trọng. Riêng các chương trình nghiên cứu về văn hóa Chăm đã có 17.000 bài viết và đầu sách về các lĩnh vực.
Nhận xét về văn hóa Chăm, ông Nguyễn Chí Bền, Viện trưởng Viện Văn hoá nghệ thuật Việt Nam nói: Văn hoá Chăm rất đặc sắc với văn hoá vật thể và văn hoá phi vật thể. Những năm qua, các nhà nghiên cứu, đã tiến hành khá nhiều các hoạt động để bảo tồn và phát huy giá trị của nó.
Có rất nhiều công trình nghiên cứu về văn hoá Chăm đã được Viện Văn hoá Nghệ thuật Việt Nam thực hiện cũng như tổ chức các cuộc hội thảo. Mới đây nhất là cuộc hội thảo về văn hoá Chăm trong mối liên hệ Ấn Độ và Việt Nam do Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam và Đại sứ quán Ấn Độ tổ chức.
Sắp tới, tại Hội thảo bảo tồn, phát triển văn hóa Chăm, Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam sẽ giới thiệu đề tài nghiên cứu về âm nhạc Chăm trong nhã nhạc của Nhật Bản…/.
Nguồn VOV online