UBTVQH thảo luận quy định tổ chức các ngày lễ kỷ niệm

Chiều 13/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã thảo luận dự thảo Nghị định quy định việc tổ chức các ngày kỷ niệm, nghi thức trao tặng, đón nhận danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng; nghi lễ đối ngoại và đón tiếp khách nước ngoài.

Dự thảo Nghị định do Bộ VH-TT&DL soạn thảo và trình xin ý kiến của UBTVQH, trong đó, việc khắc phục tổ chức liên tục nhiều ngày lễ kỉ niệm, gây tốn kém cho xã hội, doanh nghiệp và người dân được các thành viên UBTVQH quan tâm trao đổi.

Dự thảo Nghị định đưa ra một số quy định về việc tổ chức các ngày lễ theo các khái niệm “năm chẵn”- là số năm kỷ niệm có chữ số cuối cùng là “0”, “năm tròn”- số năm kỷ niệm có chữ số cuối cùng là “5” và “năm lẻ”- số năm kỷ niệm có các chữ số cuối cùng còn lại với quy mô khác nhau.

Trong đó đáng chú ý, các bộ, ban ngành, đoàn thể, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương không được tổ chức ngày kỷ niệm vào các năm lẻ, năm tròn mà chỉ được tổ chức vào các năm chẵn.

Trên thực tế, theo đánh giá của Bộ VH-TT&DL, các bộ, ngành, địa phương tổ chức kỷ niệm ngày truyền thống hay đón nhận các danh hiệu chủ yếu dựa vào khả năng, điều kiện của mỗi cơ quan theo xu hướng tự phát. Số lần tổ chức có xu hướng gia tăng. Thời gian tổ chức không chỉ vào năm tròn, năm chẵn mà còn cả vào năm lẻ, tạo sự ganh đua tràn lan, thiếu lành mạnh.

Các quận, huyện, thị xã, các đơn vị sự nghiệp, các tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp cũng thường xuyên tổ chức ngày kỷ niệm, ngày truyền thống. “Tần suất tổ chức lễ kỷ niệm do vậy quá dày”, Tờ trình của Bộ VH-TT&DL cho biết.

Đồng tình việc quy định tổ chức các ngày lễ kỉ niệm, nhưng các ý kiến của UBTVQH còn chưa “yên tâm” đến các khái niệm “năm tròn”, “năm chẵn”, “năm lẻ”. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân “phải làm rõ khái niệm đâu là chẵn, lẻ, tròn”.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và nhiều thành viên UBTVQH khác đều cho rằng nên quy định cụ thể về quy mô tổ chức kỷ niệm 5 năm/lần, 10 năm/lần khác nhau ra sao.

Khẳng định việc tổ chức các ngày lễ kỉ niệm trong nước hay quốc tế có ý nghĩa to lớn đến giáo dục lòng yêu nước, đoàn kết dân tộc, củng cố quan hệ hữu nghị và phù hợp với thông lệ quốc tế, các ý kiến đề nghị cần quy định rõ hơn về nhiệm vụ của truyền thông.

Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị cần quy định những sự kiện nào được truyền hình, phát thanh trực tiếp, sự kiện nào được phát vào “giờ vàng”…

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Ksor Phước và Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị phải quy định chỉ giới thiệu các đồng chí lãnh đạo cao cấp để lời giới thiệu ngắn gọn.

Tóm lược lại buổi thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh dự thảo Nghị định cần đảm bảo việc ban hành các nghi thức trang trọng, tiết kiệm, không phô trương, lãng phí, đảm bảo tôn vinh ý nghĩa của ngày kỉ niệm, phù hợp thông lệ quốc tế.

Theo thống kê của Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật vào năm 2009 tổng số ngày kỷ niệm trong nước và quốc tế tại Việt Nam là 428 ngày, trong đó có 120 ngày lễ kỷ niệm trong nước (sự kiện quốc gia; ngày thành lập ngành, ngày thành lập, tái lập tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương), 308 ngày lễ kỷ niệm quốc tế (sự kiện quốc tế; ngày quốc khánh các nước).

Xem xét mức độ thảm họa để tổ chức Quốc tang

Chiều cùng ngày, UBTVQH cũng thảo luận về Nghị định quy định tổ chức Lễ Quốc tang trong trường hợp thiên tai, thảm họa đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn đến tính mạng của nhân dân.

Theo cơ quan soạn thảo là Bộ VH-TT&DL, việc tổ chức Lễ Quốc tang trong các trường hợp thảm họa, thiên tai gây nhiều đau thương, mất mát về người, là thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và nhân dân trước tổn thất lớn, đặc biệt nghiêm trọng về tính mạng; qua đó tạo nhận thức trong xã hội về nguy cơ của thiên tai, thảm họa để có hướng chủ động và khắc phục khi thiên tai, thảm họa xảy ra.

Các ý kiến băn khoăn về việc Nghị định chỉ quy định thiên tai, thảm họa “gây đau thương, tác động lớn đến tinh thần, tình cảm của đông đảo nhân dân mà chưa nêu cụ thể là bao nhiêu người chết và bị thương để có thể tổ chức Quốc tang.

Các ý kiến cũng chưa đồng tình với dự thảo khi quy định Bộ Chính trị ra quyết định tổ chức Lễ Quốc tang và đề nghị tiếp tục nghiên cứu xem cá nhân, cơ quan nào có thẩm quyền này.

Đa số các ý kiến đồng tình với việc tổ chức Lễ Quốc tang từ 1 - 2 ngày tùy theo mức độ nghiêm trọng và thiệt hại về tính mạng của nhân dân nơi xảy ra thiên tai hoặc thảm họa. Trong thời gian này các cơ quan, công sở trong phạm vi cả nước và các cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước ngoài treo cờ rủ, có dải băng tang, ngừng tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí công cộng.

Địa điểm tổ chức Quốc tang là Nhà tang lễ Quốc gia ở Hà Nội hoặc tại địa phương nơi xảy ra thảm họa, thiên tai gây thiệt hại lớn về người.

Tuy nhiên, đa số ý kiến của UBTVQH đều nhấn mạnh cần phân biệt mục đích tổ chức Quốc tang cho các đồng chí là lãnh đạo cấp cao, nguyên lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước khác với tổ chức Quốc tang do thảm họa gây nên.

Nguồn www.chinhphu.vn