Khai mạc Phiên họp thứ 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Sáng 13/8, tại Hà Nội, Phiên họp thứ 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chính thức khai mạc. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì Phiên họp.

Theo chương trình nghị sự, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) sẽ tiến hành giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, khai thác khoáng sản; cho ý kiến về việc ban hành Nghị định quy định tổ chức lễ Quốc tang trong trường hợp thiên tai, thảm họa đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn tính mạng của nhân dân. Liên quan đến công tác lập pháp, UBTVQH sẽ cho ý kiến về một số vấn đề quan trọng, ý kiến còn khác nhau của các dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư, Luật Hợp tác xã (sửa đổi), Luật Quản lý thuế, Luật Dự trữ quốc gia, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực; Dự án Luật Giáo dục quốc phòng, an ninh; Dự án Luật Phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai … và đặc biệt là dự án Luật Thủ đô.

Cũng trong khuôn khổ Phiên họp này, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình và Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh sẽ trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội trong hai ngày cuối của phiên họp là 21 và 22/8.

 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc phiên họp thứ 10 của UBTVQH.
(Ảnh: Chinhphu.vn)

Phát biểu khai mạc Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá cao sự chuẩn bị của các thành viên, với thời gian ngắn nhưng số lượng văn bản luật, chương trình giám sát, chất vấn nhiều. Đặc biệt, Phiên họp này cũng sẽ cho ý kiến lần đầu về việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 chuẩn bị cho Quốc hội thảo luận vào kỳ họp thứ 4 và 5 Dự án luật. Vì vậy, theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, cần phát huy tinh thần làm việc, nâng cao chất lượng thảo luận để Phiên họp đạt hiệu quả. Theo chương trình dự kiến, Phiên họp thứ 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ diễn ra từ ngày 13 đến ngày 22/8.

Chỉ nên cho viên chức làm công tác giảng dạy pháp luật tham gia tư vấn pháp luật ?

Ngay sau khai mạc Phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về một số vấn đề quan trọng, ý kiến còn khác nhau của Dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư, đặc biệt về quy định cho phép viên chức được hành nghề luật sư hay không?

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp (UBTP) Nguyễn Văn Hiện cho rằng, số viên chức làm công tác giảng dạy pháp luật nói trên là đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn cao về pháp luật, với nhiệm vụ rất quan trọng là đào tạo nguồn nhân lực cho cả hệ thống cơ quan tư pháp và toàn xã hội. Việc cho phép viên chức làm công tác giảng dạy pháp luật được hành nghề luật sư sẽ làm phân tán nguồn lực và tạo ra khả năng làm phát sinh xung đột lợi ích khi luật sư là các giảng viên tham gia tố tụng. Hơn nữa, hành nghề luật sư thường gắn liền với hoạt động tố tụng (tức là chủ yếu được tiến hành trong giờ hành chính), do đó nếu giảng viên được hành nghề luật sư sẽ ảnh hưởng đến hoạt động chuyên môn giảng dạy, khó bảo đảm chất lượng hành nghề. Do vậy, ông Hiện đề nghị, UBTVQH không quy định viên chức đang làm công tác giảng dạy pháp luật được hành nghề luật sư .

Đồng quan điểm với Chủ nhiệm UBTP Nguyễn Văn Hiện, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng đưa quan điểm, không nên để đội ngũ viên chức đang làm công tác giảng dạy pháp luật được hành nghề luật sư mà nên để họ chú trọng vào công tác giảng dạy.

Về vấn đề này, theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, việc cho phép đội ngũ này làm luật sư sẽ bổ sung một số lượng đáng kể luật sư trong tình hình hiện nay. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng đề nghị UBTVQH cân nhắc để cho viên chức đang làm công tác giảng dạy pháp luật được tham gia tư vấn pháp luật nhưng không được tham gia tố tụng vì quá trình này đòi hỏi rất nhiều thời gian. Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường, việc quy định cho các giảng viên các trường đại học công lập không được hành nghề Luật sư trong khi các giảng viên khoa Luật đại học ngoài công lập lại được tham gia cũng tạo ra xung đột lợi ích.

Đồng quan điểm với Bộ trưởng Hà Hùng Cường, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cũng cho rằng, việc để viên chức đang làm công tác giảng dạy pháp luật tham gia tư vấn nhưng không tham gia tố tụng là hợp lý. Bởi, theo lý giải của ông Giàu, việc quy định này nhằm đảm bảo tương tác giữa lý luận và thực tiễn, cũng như tạo thêm một phần thu nhập thu hút nhân tài vào lĩnh vực luật sư.

Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội Đào Trọng Thi cho hay: Nếu khắc phục không được yếu tố thời gian thì đội ngũ này có thể tham gia hành nghề luật sư. Bởi, họ hoàn toàn có thể chọn thời gian ngoài giờ làm việc của mình để xử lý công việc. “Không thể chỉ vì một lý do không đồng nhất mà không cho phép giảng viên hành nghề luật sư.” – ông Đào Trọng Thi nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh việc tận dụng được tối đa lực lượng này trong lĩnh vực tư vấn, nhưng để tham gia tố tụng thì không nên, nhằm đảm bảo thời gian cho quá trình tố tụng cũng như tham gia giảng dạy của đội ngũ viên chức đang làm công tác giảng dạy pháp luật.

Không nên mở rộng về điều kiện và đối tượng miễn đào tạo nghề luật sư

“Điều 13. Người được miễn đào tạo nghề luật sư”

1. Đã là thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên.

2. Giáo sư, phó giáo sư chuyên ngành luật; tiến sỹ luật.

3. Đã là thẩm tra viên cao cấp ngành Toà án, kiểm tra viên cao cấp ngành Kiểm sát; chuyên viên cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên cao cấp trong lĩnh vực pháp luật.

4. Đã là thẩm tra viên chính ngành Toà án, kiểm tra viên chính ngành Kiểm sát; chuyên viên chính, nghiên cứu viên chính, giảng viên chính trong lĩnh vực pháp luật”.

Về điều kiện miễn đào tạo nghề luật sư, theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Nguyễn Văn Hiện, một trong những vấn đề quan trọng nhất theo quan điểm chỉ đạo của việc sửa đổi, bổ sung Luật Luật sư lần này là phải nâng cao hơn chất lượng của đội ngũ luật sư. Qua tổng kết thực tiễn thi hành Luật Luật sư, về cơ bản, quy định điều kiện miễn đào tạo nghề luật sư hiện hành là phù hợp và không có vướng mắc. Việc mở rộng hơn về điều kiện và đối tượng miễn đào tạo nghề sẽ không phù hợp với định hướng, mục tiêu sửa đổi Luật là nâng cao chất lượng đội ngũ luật sư. Do đó, đề nghị cho giữ quy định về miễn đào tạo nghề Luật sư như Điều 13 Luật Luật sư hiện hành.

Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên đoàn luật sư (LĐLS) đưa quan điểm: Trong khi đội ngũ luật sư còn thiếu về số lượng cũng như chất lượng chưa cao, thì có thể bổ sung thêm đội ngũ chấp hành viên vào diện được miễn đào tạo nghề luật sư vì trên thực tế, đối tượng này đã có kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, không nên bổ sung thêm đối tượng này mà nên giữ nguyên như Dự thảo hiện nay để đảm bảo nâng cao chất lượng đội ngũ luật sư trong giai đoạn hiện nay .

Một số ý kiến khác cho rằng, chỉ nên miễn đào tạo nghề đối với giáo sư, phó giáo sư chuyên ngành Luật, tiến sĩ Luật, thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên, còn các đối tượng khác đều phải qua đào tạo.

Cũng trong sáng nay, UBTVQH đã cho ý kiến về việc thành lập Vụ Thi đua, khen thưởng và công tác chính trị của Tòa án nhân dân tối cao./.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam