Khắc phục triệt để tình trạng lao động bỏ trốn tại Hàn Quốc

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đề nghị 12 địa phương từ Nghệ An trở ra phía Bắc cần thống nhất biện pháp quản lý đối với những lao động ở lại Hàn Quốc bất hợp pháp.

Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân và Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chứng kiến lễ
ký kết thỏa thuận giáo dục tuyên truyền giữa Bộ LĐTBXH với Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân
và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. (Ảnh: Chinhphu.vn)

Sáng 10/8, tại TP. Hải Dương, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam tổ chức Hội nghị chuyên đề về hợp tác lao động Việt Nam – Hàn Quốc.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền đã tới dự và chỉ đạo Hội nghị.

Đây là dịp để đánh giá, tổng kết quá trình hợp tác trong 8 năm qua trên lĩnh vực lao động, ghi nhận những thành tựu, kết qủa đạt được, đồng thời nhìn nhận đúng mức những mặt còn hạn chế để có các biện pháp khắc phục có hiệu quả trong thời gian tới, đồng thời là một hoạt động thiết thực hướng tới kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hàn Quốc.

Những kết quả hợp tác đáng mừng

Trong những năm qua, việc cung ứng và sử dụng lao động giữa Việt Nam và Hàn Quốc đã đạt được những kết quả tích cực. Họ được học hỏi kinh nghiệm, trình độ nghề nghiệp, nâng cao thu nhập cho bản thân và gia đình, góp phần đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho công cuộc công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước Việt Nam, đóng góp vào việc phát triển kinh tế Hàn Quốc, tăng cường tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước.

Lao động người Việt Nam được các doanh nghiệp Hàn Quốc ưa thích bởi tính cần cù, chịu khó, sáng tạo và nhanh chóng hòa nhập với môi trường sinh hoạt và làm việc tại Hàn Quốc. So với 14 quốc gia khác đang có người lao động tại Hàn Quốc, lao động Việt Nam luôn dẫn đầu về tỷ lệ được các doanh nghiệp Hàn Quốc sử dụng lâu dài.

Lao động Việt Nam tại Hàn Quốc chủ yếu làm việc trong lĩnh vực sản xuất, chế tạo (78,3%), số còn lại làm việc trong lĩnh vực xây dựng (9,3%), nông nghiệp (10,5%), ngư nghiệp (1,7%) và dịch vụ (0,2%).

Một số vấn đề phát sinh và các giải pháp tháo gỡ

Ngoài những lao động trở về nước đúng hạn hơp đồng, hiện có nhiều người hết hạn lao động, đã trốn ở lại làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc đã gây nhiều khó khăn cho chính quyền địa phương và con số này có xu hướng tăng lên.

Tình trạng trên đã gây ảnh hưởng xấu đến những chính sách lao động các doanh nghiệp xuất khẩu lao động của hai quốc gia đã thỏa thuận, ký kết. Ngoài ra, tình trạng người lao động Việt Nam hay yêu cầu chuyển đổi nơi làm việc với những lý do không chính đáng, gây khó khăn cho các cơ quan quản lý của Hàn Quốc, phương hại đến quyền lợi lao động chính đáng của hàng nghìn người lao động trong nước có nhu cầu đến làm việc tại Hàn Quốc.

Trước những vấn đề đó, Chính phủ Hàn Quốc đã ban hành một số chính sách nhằm khuyến khích người lao động về nước đúng hạn, trong đó có chính sách cho phép người lao động được gia hạn lần đầu ngay tại Hàn Quốc với thời gian gia hạn là 1 năm 10 tháng. Tổ chức những lao động về nước đúng hạn (sau khi kết thúc hợp đồng 3 năm và thời gian gia hạn 1 năm 10 tháng), được quay trở lại Hàn Quốc làm việc nếu đạt yêu cầu tại kỳ kiểm tra tiếng Hàn tổ chức 3 tháng/lần.

Đặc biệt, nếu lao động không đổi nơi làm việc và trở về nước đúng thời hạn hợp đồng thì sau 3 tháng xuất cảnh lại được phép tái nhập cảnh Hàn Quốc làm việc ở công ty cũ mà không phải dự kiểm tra tiếng Hàn. Rất nhiều lao động Việt Nam vẫn chưa biết tới chính sách mới này của Hàn Quốc.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã nêu một số giải pháp để giải quyết tình trạng trên như thỏa thuận, ký kết với Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong công tác thông tin, tuyên truyền và vận động về chương trình đưa người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ xem xét hạn chế hoặc dừng tuyển lao động tại một số địa phương có tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng nhưng không về nước. Nghiên cứu để ban hành chính sách, chế tài ràng buộc trách nhiệm người lao động và gia đình người lao động như ký quỹ, bảo lãnh đối với người lao động tại Hàn Quốc. Phối hợp với ngành chức năng tại Hàn Quốc tổ chức tuyên truyền, giáo dục cho các đối tượng chuẩn bị hết hạn hợp đồng.

Sẽ áp dụng những quy định chặt chẽ

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ, Chính phủ Việt Nam rất quan tâm công tác đưa người lao động sang Hàn Quốc làm việc.

Để thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực lao động – xã hội trên nguyên tắc bảo đảm lợi ích chính đáng của người lao động, tuân thủ quy định pháp luật của mỗi nước, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nêu bật rõ một số yêu cầu như đề nghị 12 địa phương từ Nghệ An trở ra phía Bắc cần thống nhất biện pháp quản lý đối với những lao động ở lại Hàn Quốc bất hợp pháp.

Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý Hà Nội, Nghệ An và Hải Dương là 3 địa phương có nhiều người lao động không trở về nước nhiều nhất cả nước (mỗi địa phương đều trên 300 người). Trong tháng 10/2012, các địa phương có người lao động ở lại cần có Nghị quyết để giải quyết dứt điểm tình trạng này. Mục tiêu đến cuối 2013, phải khắc phục cơ bản tình trạng lao động của các địa phương không trở về nước sau khi hết hạn hợp đồng.

Phó Thủ tướng giao Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nghiên cứu, xem xét việc giữ lại một phần tiền gửi về nước của người lao động. Theo đó, cơ quan quản lý lao động tại Hàn Quốc sẽ giữ lại 15% tổng số tiền mà lao động gửi về Việt Nam tại ngân hàng, khi trở về nước đúng thời hạn quy định sẽ được hoàn trả cả gốc và lãi. Ngoài ra khoản tiền hỗ trợ 1 tháng tiền lương mà doanh nghiệp Hàn Quốc hỗ trợ sau khi hết hợp đồng chỉ được chi trả khi lao động Việt Nam đã có mặt tại Việt Nam.

Tập trung truyền thông làm cho người lao động nắm được đầy đủ thông tin về chính sách, pháp luật của Việt Nam và Hàn Quốc, đặc biệt là các chính sách mới ưu đãi đối với người lao động chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật, tạo động lực cho người lao động trở về nước đúng quy định.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cần quan tâm tới công tác tuyển chọn, giáo dục người lao động đi làm việc ở Hàn Quốc chấp hành nghiêm túc luật Việt Nam, pháp luật của Hàn Quốc.

Đề nghị các tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương (Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp với chính quyền các địa phương tăng cường thông tin tuyên truyền đối với gia đình người lao động về các chính sách liên quan của Việt Nam và Hàn Quốc để vận động người lao động đang cư trú bất hợp pháp về nước và người lao động kết thúc hợp đồng lao động tại Hàn Quốc về nước đúng thời hạn. Có kế hoạch cụ thể phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội triển khai công tác thông tin tuyên truyền về chương trình đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại Hàn Quốc.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tiếp tục hoàn thiện và bổ sung thông tin tại website về lao động nước ngoài để cung cấp đầy đủ và chính thống cho người lao động và người thân của họ ở Việt Nam biết và cập nhật thông tin hàng ngày, hàng tuần.

Chương trình đưa người lao động Việt Nam sang Hàn Quốc được thực hiện chính thức từ năm 1993. Hiện nay tại Hàn Quốc hiện có khoảng 75.000 lao động Việt Nam (bao gồm cả lao động đã hết hạn hợp đồng nhưng còn ở lại làm việc). Hàng năm người lao động Việt Nam tại Hàn Quốc chuyển về gia đình tại Việt Nam số tiền trên 600 triệu USD.
Nguồn www.chinhphu.vn