Đây là cuộc họp thường kỳ nhằm kiểm điểm, đánh giá hoạt động của Hội đồng giữa hai kỳ họp, đồng thời thảo luận về những công việc chính của Hội đồng trong thời gian từ nay đến hết năm 2012.
Đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng,
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu chỉ đạo kỳ họp. (Ảnh: dangcongsan.vn)
Theo Báo cáo “Hoạt động của Hội đồng giữa hai kỳ họp (3 - 4), công việc từ nay đến kỳ họp thứ 5 (12/2012)", từ tháng 4/2012 đến nay, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đã hoàn thành tốt những nhiệm vụ trọng tâm được nêu ra tại kỳ họp thứ 3, đó là: Xây dựng hồ sơ trình Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt Đề án khoa học độc lập cấp Nhà nước “Xây dựng hệ thống lý luận văn nghệ Việt Nam"; Phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị “Báo chí văn nghệ và báo chí lớn có trang văn nghệ” vào tháng 4/2012 tại Huế; Phát huy kết quả Hội thảo khoa học “Nâng cao chất lượng, hiệu quả phê bình văn học”, phối hợp với các Hội nghệ thuật Trung ương tiếp tục tổ chức các buổi tọa đàm về phê bình nghệ thuật theo từng chuyên ngành; Ra mắt Tạp chí Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật số đầu nhân kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam; Tổ chức thành công 2 lớp tập huấn, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý và đội ngũ làm công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật ở các tỉnh phía Bắc và phía Nam...
Báo cáo cũng nêu rõ những hoạt động chính của Hội đồng từ nay đến kỳ họp thứ 5. Theo đó, Hội đồng sẽ khởi động tích cực việc xét tặng thưởng, hỗ trợ bài viết, công trình lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật năm 2011, 2012; Tiếp tục hoàn thiện thủ tục Đề án khoa học độc lập cấp Nhà nước “Xây dựng hệ thống lý luận văn nghệ Việt Nam”; Tiếp tục khảo sát tình hình triển khai Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị, triển khai một số cơ chế chính sách để thúc đẩy hoạt động lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật; tổ chức tốt 2 đoàn khảo sát nước ngoài; chuẩn bị Hội thảo khoa học toàn quốc với chủ đề “Sáng tạo văn học, nghệ thuật về đề tài lịch sử”, dự kiến vào tháng 11/2012...
Toàn cảnh kỳ họp thứ 4 Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương.
(Ảnh: dangcongsan.vn)
Phát biểu chỉ đạo tại kỳ họp, thay mặt Ban Bí thư và lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, đồng chí Đinh Thế Huynh đánh giá cao hoạt động của Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương thời gian qua. Đồng chí nhấn mạnh những nhiệm vụ trọng tâm của Hội đồng trong thời gian tới: Hội đồng tiếp tục hoàn thiện Đề án khoa học độc lập cấp Nhà nước “Xây dựng hệ thống lý luận văn nghệ Việt Nam” trên cơ sở quán triệt sâu sắc mục đích, yêu cầu, nội dung của Đề án. Khi triển khai, cần quán triệt sâu sắc chủ nghĩa Mác Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, mỹ học Mác xít và đường lối văn nghệ của Đảng, đồng thời tiếp thu những thành tựu tiến bộ của lý luận, phê bình của các nước trên thế giới.
Về Hội thảo khoa học toàn quốc “Sáng tạo văn học nghệ thuật về đề tài lịch sử”, đồng chí Đinh Thế Huynh đề nghị Hội đồng cần xác định rõ mục đích, yêu cầu của Hội thảo để xây dựng kế hoạch và tiến hành đồng bộ các giải pháp, đảm bảo Hội thảo đạt kết quả thiết thực. Ngoài ra, Hội đồng cần xây dựng chương trình tổng thể từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả của Tạp chí Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật, tạo thế đứng vững chắc của Tạp chí trong lòng bạn đọc, phấn đấu để Tạp chí ngày càng hay hơn, đẹp hơn và có sức hấp dẫn hơn trong lòng công chúng. Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương chú ý nghiên cứu kỹ, cẩn trọng, coi trọng nâng cao tính chiến đấu, tính thuyết phục, tính giáo dục trong đấu tranh chống quan điểm sai trái trong văn học, nghệ thuật.
Tại kỳ họp này, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương thảo luận, cho ý kiến về kế hoạch tổ chức Hội thảo khoa học toàn quốc “Sáng tạo văn học nghệ thuật về đề tài lịch sử”. Theo đó, Hội thảo sẽ hướng tới các mục tiêu cơ bản: Giải quyết những vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra trong sáng tạo văn học, nghệ thuật về đề tài lịch sử; Làm rõ hơn động cơ tìm kiếm sáng tạo về đề tài này, phê phán các động cơ, nhận thức lệch lạc phương hại đến lịch sử và nghệ thuật, tạo cơ sở lý luận và nhận thức vững chắc để các nghệ sỹ tìm tòi, khám phá sâu sắc hơn về đề tài lịch sử, mang lại hiệu quả sáng tạo cao hơn; Đánh thức niềm tự hào dân tộc, ý thức bảo vệ chủ quyền quốc gia, tinh thần yêu nước, yêu lịch sử dân tộc, tôn vinh các anh hùng liệt sĩ, các danh nhân lịch sử và văn hóa của đất nước./.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam