Trang bị cơ sở vật chất ngành Tòa án và Kiểm sát phù hợp điều kiện đất nước

Ngày 10/8, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương họp lần thứ 6, dưới sự chủ trì của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng Ban Chỉ đạo, để cho ý kiến về 2 đề án tăng cường cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ cho ngành Tòa án và ngành Kiểm sát.

 
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh việc tăng cường cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ
cho ngành Tòa án và ngành Kiểm sát là vấn đề cần thiết trong tiến trình cải cách tư pháp hiện nay
nhưng cần có bước đi, lộ trình cụ thể, phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của đất nước -
Ảnh: VGP/Lê Sơn

Tham dự phiên họp có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo; Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang, Thành viên Ban Chỉ đạo; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương là thành viên Ban Chỉ đạo.

Ban Cán sự Đảng Tòa án Nhân dân Tối cao và Ban Cán sự Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đã trình Ban Chỉ đạo cho ý kiến với các nhóm lĩnh vực lớn như: tăng thêm biên chế cán bộ, đào tạo bồi dưỡng, tăng cường cơ sở vật chất, tăng độ tuổi nghỉ hưu, nhiệm kỳ của thẩm phán và kiểm sát viên, chế độ đãi ngộ, ứng dụng công nghệ thông tin…

Đề án của hai ngành đều cho rằng trong thời gian tới cần tăng mạnh số lượng cán bộ biên chế, xây dựng cơ sở vật chất như trụ sở, cơ quan làm việc, tin học hoá cho ngành Kiểm sát. Bên cạnh đó, hai ngành cũng kiến nghị được xây dựng các học viện chuyên ngành để đào tạo cán bộ đầu vào và bồi dưỡng nhân lực hiện có.

Đề án cũng kiến nghị cấp có thẩm quyền tăng tuổi nghỉ hưu (hơn 60 tuổi) đối với một số chức danh như Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao, Kiểm sát viên cao cấp… nhằm tận dụng kinh nghiệm, uy tín, phẩm chất đối với đặc thù của hai ngành trên…

Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương cho rằng, đây là 2 đề án lớn, có ảnh hưởng không nhỏ đến tiến trình cải cách tư pháp đến năm 2020 theo Nghị quyết 49/NQ-TW của Bộ Chính trị năm 2005 về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, các Kết luận, chỉ đạo của cấp có thẩm quyền về vấn đề này.

Do đó, Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương đề nghị cần xem xét 2 đề án này một cách thấu đáo, bảo đảm tính khả thi, phù hợp với điều kiện hoàn cảnh nước ta, nhất là các vấn đề tăng thêm biên chế, xây dựng trụ sở… trong tiến trình cải cách hành chính, tinh giản biên chế và không làm lãng phí tài sản công.

Qua thảo luận, nhiều thành viên đồng tình với quan điểm của Thường trực Ban Chỉ đạo và cho rằng đây là những vấn đề lớn, “đụng” đến nhiều quy định pháp luật như độ tuổi nghỉ hưu, chế độ đãi ngộ và tiền lương, bổ nhiệm suốt đời hay theo nhiệm kỳ, khen thưởng, kỷ luật sao cho công bằng, nghiêm minh, kinh phí xây dựng trụ sở và tăng thêm biên chế… Vì vậy, cần phải được cân nhắc, xem xét của nhiều cấp có thẩm quyền khác nhau.

Kết luận phiên họp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng Ban chỉ đạo, nhấn mạnh đây là vấn đề cần thiết trong tiến trình cải cách tư pháp hiện nay nhưng cần có bước đi, lộ trình cụ thể, phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của đất nước. Do vậy, trước mắt hai ngành cần sớm hoàn thành xong đề án Tòa án khu vực, Viện kiểm sát khu vực để trình cấp có thẩm quyền cho ý kiến trên cơ sở đó xây dựng Đề án trên một cách tổng thể. Từ đó, xem xét việc tính toán việc xây dựng cơ sở vật chất cho ngành Tòa án và Kiểm sát hài hoà chung với sự phát triển của đất nước, nhưng bảo đảm sự tôn nghiêm của ngành Tòa án và Kiểm sát.

Việc đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ phải bảo đảm đủ trình độ, số lượng với yêu cầu là xác định rõ từng vị trí việc làm của mỗi cán bộ, trên cơ sở đó mới đưa ra tổng biên chế cho từng ngành, bảo đảm chất lượng, hiệu quả trong hoạt động của từng ngành.

Nguồn Chinhphu.vn