Tăng quy mô trường lớp, tổ chức tốt đời sống nội trú, bán trú cho HS
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận thăm và nói chuyện với HS trường PTDTNT THPT
huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Ảnh: gdtd.vn
Năm học 2011- 2012 vừa qua, quy mô, mạng lưới trường lớp Phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT), Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) các cấp học đều được duy trì và tiếp tục phát triển ở các vùng có đông người dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống. Hệ thống các trường PTDTBT phát triển, tạo cơ hội đến trường cho HS vùng kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào DTTS. Nhiều tỉnh đã có kế hoạch và xây dựng thêm trường PTDTNT, PTDTBT.
Cả nước có 50 tỉnh, thành phố có trường PTDTNT với tổng số 300 trường, tăng 9 trường so với năm học trước, trong đó có 6 trường mới thành lập; với tổng quy mô 80.832 HS, gồm 52.220 HS cấp THCS, 28.612 HS cấp THPT. Hầu hết học sinh PTDTNT được hưởng học bổng đều được tổ chức ở nội trú, tính trung ở cả hai cấp học, có đến 95% HS ở nội trú trong trường.
Các trường PTDTNT đã trú trọng xây dựng nội quy khu nội trú, nội quy phòng ở, quy tắc ứng xử văn hóa trong nhà trường đồng thời phổ biến, hướng dẫn học sinh thực hiện. HS DTTS đã được các nhà trường chú trọng giáo dục kĩ năng sống thiết thực, đặc biệt là các em HS đầu cấp. Các trường cũng đã chú trọng việc tổ chức việc hướng dẫn và hỗ trợ cho HS nội trú tự học.
Hầu hết các trường đều đảm bảo nấu ăn 2 bữa/ngày cho HS. Một số trường khác ở Lào Cai, Thái Nguyên, Quảng Nam, Kiên Giang đã nấu 3 bữa/ngày (bao gồm bữa sáng); tổ chức khám chữa bệnh theo định kì cho HS. Công tác phòng chống dịch bệnh, giáo dục học sinh tự chăm sóc sức khỏe hàng ngày được các nhà trường chú trọng.
Bên cạnh việc giáo dục kiến thức văn hóa phổ thông, các trường còn tổ chức tốt công tác giáo dục văn hóa dân tộc và kiến thức địa phương cho HS. Nhiều trường đã chủ động sưu tầm, biên soạn tài liệu giáo dục văn hóa dân tộc và tri thức địa phương đưa vào giảng dạy trong trường.
HS trường PTDTNT Hà Nội. Ảnh: gdtd.vn
Hoạt động hướng nghiệp cho HS DTTS được các trường tổ chức thông qua nhiều hình thức và hoạt động phong phú. Bên cạnh đó, các trường ở vùng DTTS có nghề truyền thống tại Lâm Đồng, Ninh Thuận đã đưa dệt thổ cẩm, đan, thêu, rèn, đúc, chạm khắc… vào dạy cho trong nhà trường.
Với hệ thống trường PTDTBT, năm học vừa qua, cả nước đã có 21 địa phương có trường PTDTBT với tổng số 410 trường, quy mô HS là 100.648 em. Trong đó có 98 trường PTDTBT cấp Tiểu học, 312 trường PTDTBT cấp THCS và trường PTDTBT Tiểu học- THCS.
Các địa phương đã quán triệt các trường PTDTBT thực hiện tuyển sinh đúng theo quy chế; thực hiện các hoạt động tốt theo quy định như tổ chức dạy 2 buổi/ngày, tổ chức cho học sinh ăn, ở, sinh hoạt nội trú tại trường, xây dựng và thực hiện nội quy khu nội trú, quy tắc ứng xử văn hóa trong nhà trường, tổ chức giáo dục kĩ năng sống cho HS…
Chất lượng giáo dục học sinh dân tộc được nâng cao
Trong năm học vừa qua, chất lượng giáo dục, hiệu quả đào tạo của các trường PTDTNT ngày càng được nâng cao, giáo dục đạo đức, giáo dục toàn diện HS dân tộc ngày càng được đẩy mạnh. Các trường PTDTNT, PTDTBT đã tiếp tục duy trì, thực hiện tốt các cuộc vận động và phong trào thi đua của ngành. Phong trào thi đua “xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” gắn với xây dựng trường PTDTNT, PTDTBT đạt chuẩn quốc gia đã tạo ra những chuyển biến rõ rệt trong hệ thống.
Các trường PTDTNT đều tổ chức dạy 2 buổi/ngày. Buổi sáng tổ chức dạy học theo chương trình của Bộ ban hành. Buổi chiều dạy học các môn tự chọn, chủ đề tự chọn, giáo dục hướng nghiệp và dạy nghề phổ thông, giáo dục quốc phòng, phụ đạo học sinh yếu, bồi dưỡng học sinh khá giỏi và tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp. Các trường PTDTNT đã thực hiện nhiều biện pháp giáo dục để giáo dục học sinh về tư tưởng, đạo đức, đa số các em đều cố gắng học tập, tu dưỡng, rèn luyện để đạt kết quả cao nhất.
Kết quả thi tốt nghiệp năm học 2011-2012 của các trường PTDTNT toàn quốc đạt tỉ lệ trung bình 99,5%; tăng 2,5% so với năm học trước. Gần 50% HS đỗ tốt nghiệp này tiếp tục thi đỗ vào các trường ĐH-CĐ, 20% thi đỗ vào các trường trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề. Đáng chú ý, các trường PTDTNT ở Phú Thọ, Điện Biên, Tuyên Quang, Lào Cai, Nghệ An,.. có tỉ lệ HS thi đỗ vào các trường CĐ-ĐH chỉ ít hơn trường THPT chuyên, nhiều hơn các trường THPT đại trà trong tỉnh.
Đẩy mạnh dạy tiếng Việt cho HS DTTS và tiếng DTTS cho cán bộ, công chức
Các Sở GD-ĐT đã chỉ đạo, triển khai có hiệu quả việc chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ Mẫu giáo 5 tuổi vùng dân tộc. Kết quả, trẻ DTTS 5 tuổi đến lớp được chuẩn bị tiếng Việt trước khi vào lớp 1.
Học sinh dân tộc Hà Nhì của trường THCS xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên
với trang phục dân tộc tuyệt đẹp. Ảnh: gdtd.vn
Các tỉnh đã tổ chức thực hiện tốt việc dạy tiếng Việt cho HS DTTS cấp Tiểu học theo hướng điều chỉnh tăng thời lượng học tiếng Việt thông qua học 2 buổi/ngày hoặc học thêm buổi trong tuần. Xây dựng môi trường tiếng Việt ở lớp học, trường học, bổ sung sách, truyện đọc tiếng Việt cho HS; tiếp tục triển khai thực hiện thí điểm dạy chương trình tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục cho HS DTTS. Tổ chức tốt chương trình giao lưu “Tiếng Việt của chúng em” cho HS DTTS cấp Tiểu học để nâng cao tình yêu đối với tiếng Việt và kĩ năng sử dụng tiếng Việt cho HS.
Năm học 2011- 2012, cả nước vẫn duy trì dạy 7 thứ tiếng DTTS với 688 trường, 4.746 lớp, 108.118 tại 21 tỉnh. Các thứ tiếng được giảng dạy bao gồm: Chăm, Khmer, Êđê, Bahnar, Jrai, H’Mông. Riêng tiếng Hoa đang được dạy thí điểm. Các địa phương đã thực hiện nghiêm túc chương trình và SGK tiếng dân tộc, tổ chức hội thảo để đánh giá chất lượng dạy học tiếng DTTS.
Để tiếp tục đẩy mạnh đào tạo bồi dưỡng tiếng DTTS cho cán bộ, công chức ở các vùng dân tộc, miền núi nhằm tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc quản lý dân cư, giữ gìn an ninh, quốc phòng và phát triển kinh tế- xã hội, xóa đói giảm nghèo theo Chỉ thị số 38/2004/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; năm học 2011-2012, cả nước đã có 47 tỉnh thực hiện dạy tiếng DTTS cho 126 lớp học với 6.204 học viên. Các thứ tiếng được dạy gồm: Tày- Nùng, Bana, Chăm, Hre, Stiêng, Ê đê, M’Nông, Thái, H’Mông, Jrai, Xê Đăng, Giẻ Triêng, K’ho, Churu, Mạ, Mường, Catu, Cadong, Bh’noong, Dao, Bru Vân Kiều, Pakô, Cờ tu, Khmer, Raglai.
Để tiếp tục có những bước tiến vững chắc, trong năm học 2012-2013, giáo dục dân tộc cả nước sẽ tập trung phát triển quy mô, nâng cao chất lượng giáo dục, củng cố và phát triển hệ thống trường PTDTNT, tiếp tục quy hoạch, thành lập trường PTDTBT; bảo đảm HS có chỗ ở an toàn, đủ ăn, đủ mặc và đủ sách vở đến trường.
Tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh bổ sung các chính sách hỗ trợ giáo viên và HS ở vùng dân tộc, đặc biệt đối với HS bán trú; tiếp tục triển khai có hiệu quả các giải pháp dạy tiếng Việt cho HS dân tộc ở mầm non và tiểu học. Tiếp tục nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các trường PTDTNT, PTDTBT…
Nguồn Báo Giáo dục & Thời đại