Vui buồn cùng con trên hành trình thi ĐH. Ảnh gdtd.vn
Dẫu biết rằng, đại học không phải con đường duy nhất để lập nghiệp và cũng không phải tiêu chuẩn để đánh giá mức độ thành công của mỗi người nhưng luôn là nỗi ám ảnh đối với các em học sinh đi thi đại học. Nó đem lại những cảm giác dằn vặt, tự ti, thất vọng, hoang mang cho nhiều thí sinh. Với quan niệm đỗ đại học mới có thể thành đạt, nhiều phụ huynh đã sốc khi con thi trượt đại học. Thay vì an ủi, động viên con, họ đã mắng mỏ, dè bỉu, trách cứ con với tư tưởng “thua thầy một vạn không bằng thua bạn một ly”. Điều này đã tạo áp lực nặng nề cho các em.
Trước tình trạng trên, các bậc phụ huynh không nên "đao to búa lớn", gây áp lực vì điều đó sẽ làm cho các em buồn, tổn thương đến tâm lý, dẫn đến những hành động đáng tiếc xảy ra. Điều các bậc phụ huynh nên làm lúc này là hãy trở thành người bạn của con, lắng nghe tâm sự, gần gũi con để chia sẻ, đồng cảm; động viên, giúp đỡ các em vượt qua thất bại. Cho con một không gian thư dãn thoải mái, bầu không khí gia đình đầm ấm vui vẻ, có thể cùng con đi du lịch... Mỗi gia đình cần vạch ra cho con những viễn cảnh tốt đẹp hơn, từng bước cùng con lập kế hoạch năm mới, có thể sẵn sàng cho một kỳ thi sắp tới, cũng có thể định hướng cho con một nghề phù hợp. Đặc biệt, cha mẹ không nên tỏ thái độ như khinh rẻ, mắng nhiếc, so sánh con với những học sinh khác... Cha mẹ cần là điểm tựa tinh thần vững chắc cho con, hãy xem chuyện thi trượt đại học là hết sức bình thường và coi đó là lần thử nghiệm chưa thành công.
Đối với bản thân các em, nếu chẳng may trượt đại học, điều đầu tiên hãy thoát khỏi nỗi buồn, thất vọng, nên coi đó chỉ là thất bại tạm thời. Khi một cánh cửa đóng lại sẽ có một cánh cửa khác mở ra. Có nhiều con đường cho tương lai phía trước đang chờ đón chúng ta. Nếu các em có học lực khá, có ước mơ cháy bỏng lập nghiệp qua giảng đường đại học và điều kiện kinh tế gia đình khá thì hãy nuôi dưỡng ước mơ "dùi mài kinh sử" để năm sau thi tiếp. Còn nếu lực học các em chỉ ở mức trung bình, tốt nhất hãy nghĩ đến việc thi vào các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, hay theo học ở một trường nghề nào đó. Chúng ta còn nhiều hướng lựa chọn khác cho tương lai khi cánh cửa vào đại học khép lại. Mỗi một hướng đi, một lựa chọn cho tương lai đều có những thuận lợi và những khó khăn riêng, điều quan trọng là mỗi người cần phải đủ niềm tin, ý chí và bản lĩnh trước cuộc sống để thực hiện ước mơ của mình.
Thay cho lời kết, tôi muốn gửi tới các em một phương ngôn sống: “Đại học không phải là địa chỉ duy nhất để ta thành công trong cuộc sống, điều quan trọng là ta đã, đang và sẽ làm bằng cách nào, phương tiện nào, làm được gì cho sự phát triển của bản thân, gia đình và xã hội”.
Nguồn Báo Giáo dục & Thời đại