Trong năm học, Bộ GD-ĐT đã thành lập 7 đoàn kiểm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ năm học, lãnh đạo Bộ đã chủ trì giao ban 3 lần với các Sở GD-ĐT theo 7 vùng thi đua. Qua mỗi kỳ giao ban, Bộ đều có thông báo tình hình chung của 7 vùng trong cả nước và giải quyết kịp thời kiến nghị của các Sở GD-ĐT, đưa ra các giải pháp và hướng dẫn nhằm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của năm học. Chính vì vậy, năm học 2011-2012 được đánh giá là thành công với nhiều kết quả nổi bật.
Các cuộc vận động và phong trào thi đua như "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực", "Hai không" hay "Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo" tiếp tục được thực hiện một cách sâu rộng thông qua các hoạt động cụ thể, gắn với mục tiêu giáo dục toàn diện.
Đến nay, 100% tỉnh, thành phố đã phê duyệt và triển khai thực hiện Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2010-2015. Đặc biệt có 9 tỉnh đăng ký hoàn thành mục tiêu phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi ngay trong năm 2012, trong đó, đã có 3 tỉnh đầu tiên trên toàn quốc được công nhận đạt chuẩn. Một số địa phương đã chuyển đổi hầu hết các cơ sở mầm non bán công sang công lập (1853 trường) và thực hiện chế độ, chính sách cho các đối tượng nhà giáo thuộc các trường chuyển đổi.
Điểm nổi bật của giáo dục trung học năm nay là điều chỉnh nội dung các môn học theo hướng tinh giảm. Các Sở GD-ĐT đã tổ chức phổ biến kịp thời đến giáo viên, chủ động chỉ đạo các nhà trường xây dựng kế hoạch dạy học, phân phối chương trình chi tiết theo khung thời gian 37 tuần thực học. Ngoài ra, các Sở GD-ĐT còn chủ động biên soạn bộ tài liệu về giáo dục địa phương hoặc chỉ đạo việc dạy tích hợp các nội dung giáo dục kỹ năng sống, giáo dục văn hoá địa phương qua một số môn học và nghệ thuật hát dân gian truyền thống...
Cơ sở vật chất đầu tư cho giáo dục đã từng bước hiện đại hóa. Ảnh Hữu Nam
Năm nay Bộ GD-ĐT chỉ đạo triển khai dạy tiếng Anh theo chương trình mới cho 291.020 học sinh lớp 3 của 2040 trường thuộc 50 tỉnh/thành phố có đủ điều kiện về giáo viên và cơ sở vật chất; triển khai thí điểm tiếng Anh lớp 4 tại 20 tỉnh, 92 trường với 94 giáo viên và 13 ngàn HS. Điều đáng mừng là hầu hết HS ở các tỉnh thí điểm đều đạt yêu cầu, hơn 70% HS đạt khá, giỏi khi làm bài kiểm tra định kỳ theo chuẩn châu Âu và theo hướng dẫn về kiểm tra đánh giá của Bộ GD-ĐT. Tính đến nay, toàn quốc có 59/63 tỉnh, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi. Đây là thành tích ấn tượng về phổ cập giáo dục của ngành.
Các Sở GD-ĐT tăng cường chỉ đạo đổi mới phương pháp dạy học thông qua việc bồi dưỡng, dự giờ, thăm lớp của giáo viên hay tổ chức hội thảo, hội giảng..., qua đó có thể xây dựng đội ngũ giáo viên cốt cán trong mỗi bộ môn, mỗi cơ sở GD, xây dựng mạng lưới giáo viên cốt cán trên toàn quốc.
Công tác đổi mới quản lý giáo dục được chú trọng và đẩy mạnh theo yêu cầu tăng cường công khai, dân chủ, tăng cường phân cấp, quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm xã hội. Công tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục cũng được chú trọng. Kết quả là chất lượng đội ngũ nhà giáo ngày một nâng cao, chất lượng giáo dục được nâng lên so với năm trước.
Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, hệ thống thư viện trường học ở các cơ sở giáo dục được tăng cường theo hướng kiên cố hóa, hiện đại hóa. Đặc biệt, việc ứng dụng CNTT trong dạy, học và quản lý giáo dục tiếp tục có những chuyển biến tốt đưa Giáo dục trở thành một trong những ngành đi đầu trong cả nước về ứng dụng CNTT.
Năm học 2011-2012 chứng kiến thành tích nổi bật của các đội tuyển HSG tham gia thi khu vực và quốc tế. Tất cả các em dự thi các môn đều đạt huy chương, đặc biệt đây là lần đầu tiên đoàn Việt Nam đoạt giải nhất cuộc thi thế giới (Intel ISEF) về nghiên cứu khoa học kỹ thuật. Đội tuyển Toán đã quay trở lại đứng trong tốp 10 nước mạnh nhất thế giới. Không kém cạnh, đội tuyển Vật lý đã ghi dấu ấn sâu đậm với 2 HCV thuộc về hai học sinh của Hà Nam và Sơn La, những địa phương chưa từng có tên trong bảng vàng thành tích thi Olympic thế giới của Việt Nam.
Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, Báo cáo Tổng kết năm học 2011-2012 của Bộ GD-ĐT đã chỉ ra những hạn chế, yếu kém cần phải nhanh chóng khắc phục. Việc một số nơi kết thúc sớm kế hoạch dạy học, nhất là ở một số môn học không thi tốt nghiệp đối với lớp 12 đã diễn ra trong nhiều năm, tuy nhiên, hiện tượng này vẫn chưa thể chấm dứt. Đây là biểu hiện hết sức lệch lạc trong quan điểm giáo dục, rằng học có vẻ như chỉ để đối phó với các kỳ thi ở một số địa phương, một số cơ sở giáo dục. Nếu không nhanh chóng chấm dứt hiện tượng này, nền giáo dục của ta sẽ cho "ra lò" những cử nhân, kỹ sư khiếm khuyết về kiến thức cơ bản, khó đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của xã hội. Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2011-2012 kết thúc với tỷ lệ đỗ tốt nghiệp 98,9% ở giáo dục phổ thông và 85,4% ở giáo dục thường xuyên. Tuy nhiên, nói như Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển thì tỷ lệ đỗ cao nhưng chưa thật sự vui vì "kỳ thi chưa thực sự nghiêm túc". Nếu nhìn một cách tổng thể, tất cả các khâu chuẩn bị cho kỳ thi từ việc ra đề thi, cách thức tổ chức kỳ thi đến chấm thi đều hết sức nghiêm túc và chu đáo, trừ khâu coi thi ở một số địa phương. Hiện tượng tiêu cực trong thi cử ở Trường THPT DL Đồi Ngô (Bắc Giang) là một ví dụ điển hình. Có điều, để giải quyết dứt điểm chuyện gian lận trong thi cử là việc không hề đơn giản và ngành Giáo dục rất cần sự chung tay của toàn xã hội. Trước hết cần phải loại bỏ áp lực thành tích của các địa phương đối với các trường, thứ nữa, các trường không nên "xây dựng thương hiệu" bằng cách gian lận trong mỗi kỳ thi. Giải quyết hàng loạt vấn đề này chỉ có thể bằng con đường dạy tốt, học tốt. Có ý kiến cho rằng nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT. Nhưng thực tế cho thấy nếu không thi, học sinh sẽ không học và như vậy, chất lượng giáo dục chắc chắn sẽ đi xuống.
Để tiến hành đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà theo tiêu chí đáp ứng nhu cầu nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao cho nhu cầu xã hội, không có con đường nào khác là phải không ngừng nâng cao chất lượng và hiệu quả của giáo dục. Ngành Giáo dục phải tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua "Dạy tốt, học tốt", thực hiện những giải pháp đột phá cùng với những giải pháp mang tính chiến lược, trong đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý; nâng cao chất lượng và hiệu quả của hoạt động giáo dục ở mọi cấp học, mọi lĩnh vực công tác; xây dựng một đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục ưu tú; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho tất cả các cơ sở giáo dục bằng mọi nguồn lực...
Ngoài ra, giáo dục phải thực sự được coi là quốc sách, nhận được sự quan tâm, chung vai gánh vác của toàn xã hội và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong hợp tác quốc tế...
Năm học 2011-2012, một năm học tràn đầy sức sống mới đã khép lại với bộn bề cảm xúc. Chúng ta vui với những thành tựu mà ngành đã đạt được trong năm qua đồng thời cũng nghiêm khắc nhìn nhận, đánh giá để khắc phục những hạn chế, yếu kém còn tồn tại. Quyết tâm xây dựng một nền giáo dục hiện đại, tiên tiến đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH và hội nhập quốc tế của đất nước luôn cháy trong huyết quản của mỗi thầy cô giáo, mỗi cán bộ quản lý giáo dục, mỗi bạn học sinh, sinh viên... Đó là lý do để chúng ta tin vào thắng lợi của công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo mà Đại hội lần thứ XI của Đảng đã đề ra.
Nguồn Báo Giáo dục & Thời đại