Khảo nghiệm cây trồng biến đổi gen.
Theo dự thảo Thông tư quy định trình tự, thủ tục cấp, thu hồi Giấy chứng nhận an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gen, Giấy chứng nhận an toàn sinh học được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp trên cơ sở kết luận của Hội đồng an toàn sinh học và kết quả khảo nghiệm được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận.
Theo dự thảo, chỉ có các tổ chức, cá nhân đã tiến hành khảo nghiệm sinh vật biến đổi gen trong điều kiện của Việt Nam và kết quả khảo nghiệm đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận đạt yêu cầu mới được lập hồ sơ đăng ký cấp Giấy chứng nhận an toàn sinh học.
Trong 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ đăng ký, cơ quan thường trực thẩm định thông báo về việc chấp nhận hồ sơ hợp lệ hoặc yêu cầu bổ sung, hoàn thiện. Trên cơ sở đó, Tổng cục Môi trường sẽ ra quyết định thành lập Tổ chuyên gia để tiến hành thẩm định từng hồ sơ đăng ký cấp Giấy chứng nhận an toàn sinh học. Bản tổng hợp ý kiến thẩm định của Tổ chuyên gia sẽ được trình lên Hội đồng an toàn sinh học xem xét. Việc thẩm định của Tổ chuyên gia diễn ra trong thời gian tối đa 90 ngày.
Dự thảo quy định rằng cơ quan thường trực thẩm định phải đăng tải bản điện tử tóm tắt báo cáo đánh giá rủi ro của sinh vật biến đổi gen đối với môi trường và đa dạng sinh học trên trang thông tin điện tử về an toàn sinh học để lấy ý kiến công chúng, với thời gian tối đa là 30 ngày.
Sau khi có ý kiến thẩm định của Tổ chuyên gia, trong vòng 70 ngày, cơ quan thường trực thẩm định tổ chức các phiên họp của Hội đồng nhằm thẩm định hồ sơ đăng ký cấp Giấy chứng nhận an toàn sinh học.
Sau khi có kết quả thẩm định của Hội đồng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét cấp Giấy chứng nhận an toàn sinh học cho sinh vật biến đổi gen được đăng ký. Trường hợp từ chối cấp Giấy chứng nhận an toàn sinh học, Bộ Tài nguyên và Môi trường thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do, gửi đến tổ chức, cá nhân đăng ký.
Thu hồi Giấy chứng nhận an toàn sinh học
Giấy chứng nhận an toàn sinh học bị xem xét thu hồi trong các trường hợp: Có bằng chứng khoa học mới về rủi ro của sinh vật biến đổi gen đã được cấp Giấy chứng nhận an toàn sinh học; tổ chức, cá nhân cung cấp các thông tin sai lệch, ảnh hưởng đến kết quả thẩm định và việc ra quyết định cấp Giấy chứng nhận an toàn sinh học; hoặc có bằng chứng chứng minh kết luận của Hội đồng là thiếu cơ sở khoa học.
Hiện nay dự thảo Thông tư quy định trình tự, thủ tục cấp, thu hồi Giấy chứng nhận an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gen đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố lấy ý kiến nhân dân.
Nguồn www.chinhphu.vn