Bộ Nội vụ cho biết, trong dự thảo Thông tư hướng dẫn hoạt động của thôn, tổ dân phố, Bộ dự kiến nguyên tắc tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố là không được chia tách để thành lập mới các thôn, tổ dân phố đang hoạt động ổn định và không nằm trong quy hoạch giải phóng mặt bằng, quy hoạch dãn dân, tái định cư hoặc điều chỉnh địa giới hành chính đã được chính quyền cấp tỉnh trở lên phê duyệt.
Đồng thời, khuyến khích việc sáp nhập thôn, tổ dân phố để thành lập thôn, tổ dân phố mới nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền cấp xã và nâng cao hiệu quả đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội của thôn, tổ dân phố.
Điều kiện thành lập thôn, tổ dân phố mới
Trong trường hợp phải thành lập thôn, tổ dân phố mới, dự thảo quy định việc thành lập trước hết phải đảm bảo các điều kiện về quy mô số hộ gia đình. Cụ thể, đối với thôn ở vùng đồng bằng miền Bắc phải có từ 150 hộ gia đình trở lên; ở vùng đồng bằng miền Trung và miền Nam phải có từ 100 hộ gia đình trở lên còn ở vùng biên giới, hải đảo phải có từ 50 hộ gia đình trở lên. Tương tự, việc thành lập mới tổ dân phố phải có từ 70 hộ gia đình trở lên.
Thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc,… (gọi chung là thôn) được tổ chức ở xã.
Tổ dân phố, khu phố, khối phố, khóm, tiểu khu,… (gọi chung là tổ dân phố) được tổ chức ở phường, thị trấn.
Thôn, tổ dân phố không phải là một cấp hành chính mà là tổ chức tự quản của cộng đồng dân cư có chung địa bàn cư trú trong một khu vực ở một xã, phường, thị trấn.
Thôn, Tổ dân phố chịu sự quản lý trực tiếp của chính quyền cấp xã.
Đồng thời việc thành lập thôn, tổ dân phố mới phải có các điều kiện bảo đảm như: đối với thôn, phải bảo đảm diện tích đất ở và đất sản xuất bình quân của mỗi hộ gia đình ít nhất bằng tỉ lệ bình quân chung của xã. Bên cạnh đó, thôn và tổ dân phố phải có cơ sở hạ tầng - kinh tế xã hội thiết yếu, phù hợp với thực tế của địa phương để phục vụ hoạt động cộng đồng và ổn định cuộc sống của người dân.
Trưởng thôn và Tổ trưởng tổ dân phố do cử tri của thôn, tổ dân phố bầu trực tiếp và có nhiệm kỳ 2,5 năm để thực hiện những công việc do cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố bàn và quyết định trực tiếp.
Trong quá trình hoạt động Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố, Phó Trưởng thôn, Tổ phó tổ dân phố được hưởng phụ cấp hàng tháng theo quy định của HĐND cấp tỉnh.
Phát huy hình thức tự quản
Cộng đồng dân cư trong thôn, tổ dân phố cùng thảo luận, quyết định và thực hiện các công việc tự quản, không trái với quy định của pháp luật; bảo đảm đoàn kết, dân chủ, công khai, minh bạch, giữ gìn an ninh, trật tự an toàn xã hội và vệ sinh môi trường.
Cụ thể, đối với thôn sẽ phát huy các hình thức tự quản để tham gia xây dựng nông thôn mới; bàn biện pháp phát triển sản xuất, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân; tham gia xây dựng giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi công cộng và các công việc tự quản ở cộng đồng dân cư.
Đối với tổ dân phố, thực hiện quy chế quản lý đô thị và tham gia xây dựng đô thị văn minh, hiện đại; thực hiện công tác tự quản ở tổ dân phố, quan tâm đời sống vật chất và tinh thần của cộng đồng dân cư đô thị,…
Những thông tin trên được nêu trong dự thảo Thông tư hướng dẫn hoạt động của thôn, tổ dân phố đang được Bộ Nội vụ công bố lấy ý kiến nhân dân.
Nguồn www.chinhphu.vn