Trước 31-12, xử lý ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại cơ sở y tế

Tại Thông báo 266/TB-VPCP, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đề nghị trong thời gian tới Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc xử lý triệt để tình trạng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại các cơ sở y tế chưa hoàn thành xử lý ô nhiễm môi trường triệt để theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg để hoàn thành trước ngày 31/12/2012.

 Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành liên quan tiến hành kiểm tra, đánh giá công tác xử lý ô nhiễm môi trường tại các cơ sở y tế trong cả nước.

 
Xử lý triệt để tình trạng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại các cơ sở y tế - Ảnh minh họa

Bộ Y tế báo cáo Thủ tướng Chính phủ những trường hợp không thực hiện tốt công tác xử lý ô nhiễm môi trường tại các cơ sở y tế; kiến nghị các giải pháp, cơ chế cần bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với thực tế.

Thí điểm mô hình xử ý chất thải y tế hiệu quả

Phó Thủ tướng cũng đã giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và các Bộ, ngành, địa phương liên quan nghiên cứu, đề xuất cơ chế thực hiện thí điểm trong đó có những ưu đãi về vay vốn, đất đai, thuế,...để thu hút các nhà đầu tư từ nhiều thành phần kinh tế tham gia triển khai các mô hình, dự án xử lý chất thải y tế.

Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu hướng cho phép dùng nguồn quỹ chưa dùng đến của bảo hiểm y tế để đầu tư hệ thống xử lý chất thải tại các cơ sở y tế theo nguyên tắc bảo đảm an toàn Quỹ và bảo đảm thu hồi vốn đầu tư.

Bộ Y tế còn có nhiệm vụ khẩn trương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và các địa phương tập trung triển khai thực hiện Đề án tổng thể xử lý chất thải y tế giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020 đã được ban hành.

Hiện cả nước có 13.511 cơ sở y tế các loại và tổng lượng chất thải rắn phát sinh từ các cơ sở này vào khoảng 450 tấn/ngày, trong đó có 47 tấn là chất thải rắn y tế nguy hại, đòi hỏi phải được xử lý bằng những biện pháp phù hợp. Tổng lượng nước thải y tế phát sinh cần xử lý cũng lên tới 125.000 m3/ngày.

Hiện, tỷ lệ bệnh viện thực hiện phân loại chất thải rắn y tế là 95,6% và thu gom chất thải rắn y tế hàng ngày là 90,9%. Tuy nhiên, chỉ khoảng một nửa số bệnh viên đạt yêu cầu tiêu chuẩn về quá trình thu gom, phân loại chất thải y tế.

Đặc biệt, theo danh sách tại Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg, ngành y tế có 84 cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng, nhưng đến nay vẫn còn gần một nửa chưa được chứng nhận hoàn thành xử lý triệt để theo yêu cầu của Chính phủ.

Nguồn www.chinhphu.vn