Dự kiến xuất khẩu thủy sản đạt 11 tỷ USD vào năm 2020

Tổng cục Thủy sản dự kiến đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, kinh tế thủy sản đóng góp khoảng 2,8 – 3% GDP của nền kinh tế quốc dân với tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 11 tỷ USD.

Phấn đấu đến năm 2020 tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 11 tỷ USD.

Theo Tổng cục Thủy sản, để đưa thủy sản phát triển toàn diện theo hướng bền vững, trở thành một ngành sản xuất hàng hóa lớn, có thương hiệu uy tín, khả năng cạnh tranh cao và hội nhập vững chắc vào nền kinh tế quốc tế, cần duy trì tốc độ tăng trưởng GDP ngành thủy sản bình quân đạt 8 – 10%/năm.

Do vậy, trong bản dự thảo Quy hoạch tổng thể phát triển ngành Thủy sản Việt Nam có nêu mục tiêu đến năm 2020, kinh tế thủy sản đóng góp khoảng 2,8 – 3% GDP của kinh tế quốc dân, với tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 11 tỷ USD.

Trong đó, tổng sản lượng thủy sản khai thác và nuôi trồng đạt 7,0 triệu tấn; tổng sản lượng thủy sản qua chế biến đạt 2,95 triệu tấn; tạo việc làm cho khoảng 5 triệu lao động nghề cá với thu nhập bình quân đầu người cao gấp 3 lần hiện nay…

Tiềm năng thị trường nội địa

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giải pháp về thị trường để thực hiện Quy hoạch trên bao gồm thị trường trong nước thông qua hệ thống các chợ đầu mối, các Trung tâm nghề cá lớn hình thành kênh phân phối bán hàng đến từng địa phương trên cả nước.

Thị trường nội địa là một thị trường đầy tiềm năng đối với doanh nghiệp chế biến thủy sản.

Theo số liệu dự báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lượng cung tổng sản lượng thủy sản trong nước đến năm 2020 sẽ tăng đạt 6,9 triệu tấn. Trong đó, sản lượng trong nước có thể đáp ứng được 5.08 triệu tấn, vì vẫn vẫn còn thiếu hụt khoảng 1 triệu tấn. Lượng thiếu hụt này sẽ được nhập khẩu từ các nước trong và ngoài khu vực ASEAN chủ yếu là tôm, cá nước lạnh, mực, bạch tuộc,...

Thay thế việc xuất khẩu qua trung gian

Còn đối với thị trường nước ngoài thì Quy hoạch đặt ra hướng phát triển hình thức xuất khẩu trực tiếp cho các hệ thống phân phối, trung tâm thương mại lớn, siêu thị, thay thế việc xuất khẩu qua trung gian, nhằm nâng cao hiệu quả xuất khẩu. Trước mắt, tại các thị trường lớn (Mỹ, EU, Nhật Bản), thông qua các đại diện thương mại của Việt Nam ký kết hợp đồng với các tổ chức cung ứng thực phẩm cho các trung tâm phân phối, siêu thị của các thị trường này, từng bước xây dựng mạng lưới phân phối thủy sản Việt Nam.

Tổng cục Thủy sản cho biết, trong năm 2011 tổng sản lượng thủy sản đạt trên 5,2 triệu tấn, xuất khẩu đến khoảng 164 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 6,11 tỉ USD…

Đồng thời, sẽ tiến đến hình thành một số trung tâm xúc tiến thương mại sản phẩm thủy sản Việt Nam tại các thị trường lớn như: Mỹ, Nhật Ban, EU, nhằm quảng bá, thông tin chính xác, đầy đủ về sản phẩm thủy sản Việt Nam đến thị trường và người tiêu dùng,...

Một trong những biện pháp cần thiết khác của Quy hoạch phát triển thủy sản là tiếp tục xây dựng các thương hiệu sản phẩm thủy sản Việt Nam (tôm sú, cá tra, cá ngừ, tôm he chân trắng, nghêu,...) có uy tín đáp ứng đúng thị hiếu và lòng tin của người tiêu dùng thế giới, chiếm lĩnh thị phần thị trường thủy sản thế giới ngày một nhiều hơn.

Hiện bản dự thảo Quy hoạch tổng thể phát triển ngành Thủy sản Việt Nam đang được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lấy ý kiến nhân dân.

Nguồn www.chinhphu.vn